21 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin tức thị trường 24/7

VIP Tin 24/7: Tuần 18-23/12: SJC ‘một mình một chợ’, lướt sóng lãi khoảng 1,5 triệu/lượng; Vàng nhẫn theo sát thế giới

Tóm tắt

  • Trượt khỏi đỉnh, vàng miếng vẫn tăng gần 3 triệu đồng trong cả tuần, đầu tư sẽ lãi khoảng 1,5 triệu đồng một lượng.
  • Vàng thế giới chốt tuần trên mốc 2.050 USD, cả tuần tăng gần 2%, tính theo giá quy đổi tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng.
  • Vàng nhẫn bám sát theo đà tăng của giá vàng thế giới và kết tuần với kỷ lục giá mới.
  • Chuyên gia nêu nguyên nhân và đưa ra lời khuyên trước diễn biến “một mình một chợ” của SJC.

Nội dung chi tiết

Giá vàng thế giới tăng gần 2%

Kết tuần, giá vàng thế giới dừng chân tại ngưỡng 2.053 USD/ounce, tăng 1,7% trong cả tuần. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (24.720 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 61,88 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng so với mở cửa đầu tuần.

Giá vàng thế giới hiện đang neo tại vùng cao nhất hơn 2 tuần qua bởi sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng. Chốt phiên cuối tuần, chỉ số dừng ở mức 101,7 điểm, giảm 0,82% trong tuần này. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục dao động quanh ngưỡng 3,9%, thấp nhất 5 tháng.

Chiến lược gia Phillip Streible của Blue Line Futures nhận định giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD. “Sự bứt phá kỹ thuật gần đây có thể đẩy giá vàng lên ngưỡng 2.100 USD. Giá vàng sẽ kiểm thử các mức cao gần đây”, ông Streible nói.

Bên cạnh đó, thị trường cũng lạc quan về triển vọng cắt giảm lãi suất trong năm 2024 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Báo cáo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, cho thấy lạm phát hằng năm của Mỹ đã chậm lại dưới 3% trong tháng 11 và áp lực giá cơ bản tiếp tục giảm.

Dữ liệu mới nhất này đã tiếp tục làm tăng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới. Các nhà giao dịch dự đoán Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024.

“Giá kim loại quý, trong đó có vàng, đang được thúc đẩy bởi các kỳ vọng cắt giảm lãi suất rất mạnh mẽ, khi thị trường tin là Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 3 và sẽ giảm tổng cộng 1,5 điểm phần trăm trong năm 2024”, nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong nói với hãng tin Reuters.

Vàng miếng SJC trượt khỏi đỉnh nhưng chưa hết “nóng”

Giá vàng miếng kết thúc phiên đầu tuần 18/12 với đà tăng nhẹ và giữ dưới mốc 73 triệu đồng/lượng chiều mua, trên 74 triệu đồng mỗi lượng chiều bán. Sang phiên 19/12, diễn biến tăng có chiều hướng mạnh lên, vàng miếng chốt phiên này ở quanh mốc 74 triệu đồng giá mua và 75 triệu đồng giá bán. Giá vàng tiếp tục kéo dài đà tăng sang phiên 20/12 và chốt phiên ở ngưỡng 74,6 triệu đồng/lượng giá mua, 75,6 triệu đồng/lượng giá bán. Đà tăng duy trì sang phiên 21/12 nhưng chốt phiên này giá vàng mới chỉ tiến lên gần hơn với mốc 76 triệu đồng.

Sự chú ý của thị trường dồn hết vào ngày 22/12 với đà tăng bùng nổ của giá vàng miếng. Từ ngưỡng 75,8 triệu đồng cuối ngày 21/12, giá vàng phi thẳng lên ngưỡng 76,4 triệu đồng/lượng chiều mua và 77,4 triệu đồng/lượng chiều bán thời điểm cuối phiên sáng và đầu phiên chiều ngày 22/12. Đây cũng là mức đỉnh cao nhất mọi thời đại của vàng miếng tính tới thời điểm hiện tại. Một điều đáng chú ý trong đợt tăng này của vàng miếng là đà tăng có sự cân xứng ở cả hai đầu giá mua vào – bán ra.

Về cuối phiên 22/12, giá vàng có dấu hiệu suy yếu, nguyên nhân được cho là áp lực chốt lời của nhà đầu tư. Nhịp giảm này đưa giá bán lùi khỏi ngưỡng 77,4 triệu đồng về quanh mốc 77 triệu đồng, giá mua cùng lùi về dưới mốc 76 triệu đồng. Nhịp giảm có phần tiêu cực hơn ở chiều mua vào khiến chênh lệch mua – bán đang từ ngưỡng 1 triệu đồng lên ngưỡng 1,3 triệu đồng.

Sau “màn trình diễn” nhiều cảm xúc trong phiên 22/12, giá vàng bước vào phiên cuối tuần 23/12 khá ổn định với diễn biến đi ngang và tăng/giảm không quá mạnh. Chốt tuần, vàng miếng vẫn giữ giá bán quanh ngưỡng 77 triệu đồng một lượng.

Tính trong cả tuần (từ giá mở cửa đầu tuần đến giá đóng cửa cuối tuần), vàng miếng tăng khoảng 2-2,6 triệu đồng/lượng chiều mua và khoảng 2,5-2,7 triệu đồng/lượng chiều bán. Giá mua vào tại các đơn vị chốt tuần ở ngưỡng 75,6-75,8 triệu đồng/lượng, giá bán ở ngưỡng 76,9-77 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, vàng miếng tại SJC Hồ Chí Minh chốt giá mua – bán trong phiên cuối tuần tại mốc 75,70 – 76,90 triệu đồng/lượng; tại BTMC là 75,85 – 76,95 triệu đồng/lượng; DOJI Hà Nội là 75,70 – 77,00 triệu đồng/lượng và Phú Quý là 75,80 – 77,00 triệu đồng/lượng.

Tăng hơn 2 triệu đến gần 3 triệu đồng mỗi lương và chênh lệch mua – bán dưới 1,5 triệu đồng, “lướt sóng” vàng miếng trong tuần này lãi đậm từ 1,3-1,6 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.

Vàng nhẫn tăng khoảng 1 triệu đồng và tạo cho mình một đỉnh cao nới

Bám sát theo diễn biến của giá vàng thế giới, vàng nhẫn tăng khoảng 900.000 đến 1,05 triệu đồng/lượng trong tuần này và thiết lập một đỉnh mới toanh với mức giá gần 63,4 triệu đồng một lượng.

Nhẫn trơn Vàng Rồng Thăng Long BTMC chốt phiên cuối tuần tại mốc 62,43 – 63,38 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,05 triệu đồng/lượng chiều mua và 950.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 18/12.

Nhẫn SJC 9999 chốt tuần tại mốc 61,90 – 62,95 triệu đồng/lượng (MV – BR), tăng 1,05 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra so với giá mở cửa phiên đầu tuần.

Cùng với với nhịp tăng khoảng 950.000 đến 1,05 triệu đồng/lượng, nhẫn DOJI chốt giá mua – bán trong phiên cuối tuần tại 62,10 – 63,10 triệu đồng/lượng và Phú Quý là 62,30 – 63,30 triệu đồng/lượng.

Với chênh lệch mua – bán quanh ngưỡng 1 triệu đồng, đầu tư vàng nhẫn trong tuần này hòa vốn.

SJC gia tăng khoảng cách với vàng nhẫn và thế giới

Với mức giá ở ngưỡng 77 triệu đồng một lượng, vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới 15,1 triệu đồng, tăng mạnh 1,4 triệu đồng so với cuối tuần trước. SJC cũng tăng khoảng 1,45 triệu đồng mức chênh với vàng nhẫn, từ 12,5 triệu đồng cuối tuần trước lên 13,95 triệu đồng cuối tuần này.

Vàng nhẫn hiện cao hơn giá vàng thế giới 1,5 triệu đồng, giảm 200.000 đồng so với cuối tuần trước.

Nghị định 24

Thời gian gần đây, giá vàng SJC liên tục biến động mạnh, và liên tục thiết lập kỷ lục giá mới. Chỉ tính riêng tuần này, vàng SJC đã tăng tổng cộng khoảng gần triệu đồng/lượng. Lý giải về cơn sốt giá vàng SJC, ông Đinh Nho Bảng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, một phần do giá vàng thế giới tăng cao thời gian qua trước tín hiệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi dừng thắt chặt tiền tệ và chuẩn bị cho chu kỳ nới lỏng vào năm sau. Điều này khiến đồng USD giảm giá, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, nhà đầu tư quốc tế chuyển dòng tiền sang vàng.

Tuy nhiên, trên thực tế đà tăng của giá vàng thế giới là không quá cao nếu so với đà tăng của vàng SJC. Trong tuần này, giá vàng giao ngay chỉ tăng khoảng 35 USD/ounce (khoảng 1,7%), tương đương với mức tăng chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng nếu quy đổi ra vàng Việt Nam. Điều này khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới nới rộng.

Ông Bảng cho rằng: “Chủ yếu do khan hiếm nguồn cung trong nước, giá tăng không phải do người dân mua quá nhiều mà chủ yếu do khan hiếm vàng SJC. Trên thực tế chỉ có vàng SJC là tăng mạnh và chênh lệch lớn so với vàng thế giới, còn vàng nhẫn không chênh lệch đáng bao nhiêu và thấp hơn vàng SJC tới gần 14 triệu đồng/lượng”. Theo vị chuyên gia, sự khan hiếm vàng SJC xuất phát từ các quy định quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, kể từ khi Nghị định này có hiệu lực vào năm 2012, thị trường vàng không có nguồn cung vàng SJC mới.

Theo quy định tại Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu về để sản xuất vàng SJC. Trong khi từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng, dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã lấy vàng SJC làm thương hiệu vàng chuẩn quốc gia, loại bỏ 6 thương hiệu vàng miếng còn lại, khiến nguồn cung vàng miếng khan hiếm. Không chỉ vậy, việc không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu dẫn đến khan hiếm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, một số doanh nghiệp thậm chí còn phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC càng khan hiếm.

“Lướt sóng” vàng miếng có “dễ ăn”?

Khi xem xét việc đầu tư vào vàng miếng, mức lãi gần 2 triệu đồng mỗi lượng trong vòng một tuần có vẻ rất hấp dẫn. Tuy nhiên, việc dự đoán chính xác sự biến động giá cả để đầu tư không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đặc biệt, chênh lệch giữa giá mua và bán khá lớn cũng là một trở ngại đáng kể cho nhà đầu tư. Vì vậy, chiến lược lướt sóng trong đầu tư vàng vật chất mang lại rủi ro cao. Thay vào đó, một chiến lược mua và giữ trong thời gian dài hạn có thể là lựa chọn khôn ngoan hơn.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước đang neo ở mức cao và tài sản này vẫn trong giai đoạn biến động mạnh.

“Thị trường vàng không phù hợp để dồn tiền lướt sóng, trừ trường hợp đầu tư có nhiều công cụ phái sinh để hạn chế rủi ro. Nếu mua vàng lúc này vì thấy giá đang lên thì nhà đầu tư cần có dự phòng” chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.

Ông Hiếu cũng đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư nên nắm giữ vàng từ 6 tháng đến 1 năm.

Trong trường hợp nhà đầu tư thích mạo hiểm, mua vàng thời điểm này để lướt sóng với tâm lý chờ giá lên cao và bán ra vào ngày Vía Thần Tài năm 2024 để kiếm lời thì ông Hiếu cho rằng rất nguy hiểm.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....