VN-Index đóng cửa tăng 0,63 điểm (+0,06%) lên 1.103,06 điểm; HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%) xuống 228,27 điểm; UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%) xuống 86,14 điểm.
Lực bán chiếm ưu thế trong phiên hôm nay, độ rộng thị trường gồm 360 mã tăng và gần 400 mã giảm. Sự phân hóa diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành.
Thanh khoản trên cả 3 sàn được cải thiện 15% so với phiên hôm qua nhưng vẫn ở mức thấp, đạt 14.530 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn bán ròng với giá trị bán ròng hôm nay gần 500 tỷ đồng.
Không nằm ngoài diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, phiên giao dịch ngày cuối tuần 22/12 tiếp tục duy trì trạng thái khá ảm đạm. Cùng thanh khoản thị trường ở mức thấp do tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán, chỉ số chính trên các sàn đều chỉ biến động trong biên độ khá hẹp.
Sau phiên sáng bật hồi đôi chút về cuối phiên giúp VN-Index bảo toàn được vùng giá 1.100 điểm, bước sang phiên giao dịch chiều, chỉ số này từng bước nhích nhẹ và có những nhịp bật hồi. Tuy nhiên, bên cạnh dòng tiền tham gia khá yếu, áp lực bán luôn thường trực đã khiến thị trường khó tiến xa.
Chỉ số VN-Index may mắn giữ được sắc xanh và xác nhận phiên tăng nhẹ thứ 4 liên tiếp.
Thị trường nhìn chung vẫn diễn biến hết sức ảm đạm. Như ở ngành bất động sản, hàng loạt cổ phiếu giữ nguyên giá tham chiếu như BCM, VRE, NVL, KDH, KBC, NLG, VPI, LGC, HDC, DXS… Ngay cả VHM và VIC cũng biến động chưa tới 0,3%. Một số mã “nhộn nhịp” hơn có thể kể đến CTD tăng 2,03%, HDG tăng 1,04% hay DIG giảm 1,34%, ITA giảm 2,26%.
Nhóm ngân hàng dù về cơ bản cũng ảm đạm nhưng cũng có một số mã gây ấn tượng như BID tăng 1,56%, STB tăng 2,26%, HDB tăng 1,07%, LPB tăng 1,63% hay OCB giảm 1,13%.
Cổ phiếu chứng khoán phân hoá. Cụ thể, SSI tăng 0,47%, FTS tăng 0,46% nhưng VND giảm 1,15%, HCM giảm 0,92%, VCI giảm 0,97%, VIX giảm 0,89%.
Ở nhóm sản xuất, sắc đỏ áp đảo sắc xanh. Hàng loạt cổ phiếu vốn hoá trên trung bình “rực lửa”, theo đó, HPG giảm 0,55%, VNM giảm 0,29%, MSN giảm 1,1%, SAB giảm 0,81%, DGC giảm 0,55%, VGC giảm 0,19%. Tuy bị bao trùm bởi sắc đỏ nhưng nhóm sản xuất lại nổi lên 1 đại diện tăng kịch trần, đó là “ông lớn” ngành nhựa BMP.
Cổ phiếu năng lượng, hàng không và bán lẻ dù tăng hay giảm điểm thì biên độ dao động chũng rất hẹp, hầu hết dưới 1%.
Giavang.net