ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 8/12
- Mỹ: Bảng lương phi nông nghiệp tháng 11 đạt 199 nghìn, vượt dự báo là 180 nghìn và mức 150 nghìn của tháng 10.
- Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp giảm về 3,7% từ mức 3,9% của tháng 10.
- Mỹ: Thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,4% hàng tháng và tăng 4% hàng năm.
- Mỹ: Kì vọng lạm phát tháng 12 của Michigan đạt 3,1%.
- Mỹ: Kỳ vọng tiêu dùng của Michigan tháng 12 tăng lên 66,4 – cao hơn dự báo là 57,0.
- Mỹ: Tâm lí tiêu dùng của Michigan tháng 12 đạt 69,4 – cao hơn mức 62 dự báo.
- Nga: Chỉ số CPI tháng 11 tăng 1,1% hàng tháng và tăng 7,5% hàng năm.
Tin tưởng vào sức mạnh nền kinh tế, NĐT đổ xô mua cổ phiếu
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu, chỉ số S&P 500 cộng 0,41% lên 4.604,37 điểm, trong khi Nasdaq Composite tăng 0,45% lên 14.403,97 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial Average tiến 130,49 điểm (tương ứng 0,36%) lên 36.247,87 điểm.
Đà tăng diễn ra trên diện rộng, với cổ phiếu năng lượng tăng tốt cùng giá dầu. Nhóm công nghệ tiếp tục bứt phá sau đà tăng ngày hôm qua.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm trong tuần này. S&P 500 nhích nhẹ 0,2% còn Dow Jones tăng 2 điểm so với tuần trước. Cả hai đều đang có chuỗi tăng điểm kéo dài 6 tuần – một kỷ lục kể từ năm 2019. Trong khi đó, Nasdaq Composite tăng 0,7% vì các cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng lớn.
Tỷ giá
Đóng phiên 8/12, Chỉ số DXY tăng 0,34 % lên 103,983. Theo tuần, chỉ số DXY tăng 0,77%.
- Cặp EUR/USD hạ 0,32 % về 1,07588. Theo tuần, đồng EUR giảm 1,1%.
- Cặp GBP/USD mất 0,32% còn 1,25469. Theo tuần, đồng bảng giảm 1,21%.
- Cặp USD/JPY tiến 0,61% đóng phiên ở 144,964. Theo tuần, cặp USD/JPY hạ 1,22% – xác nhận mạch giảm 4 tuần liên tục.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đóng phiên 8/12 tại 4,229% (+1,88% trong ngày).
Dầu thô hồi phục ấn tượng nhưng vẫn mất 4% trong tuần
Hợp đồng dầu thô tương lai WTI giao tháng 1 tại Mỹ tăng 1,89 USD/thùng, tương ứng 2,73%, lên 71,23 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô tương lai Brent giao tháng 2 tiến 1,79USD, tương ứng 2,42%, khép phiên tại 75,84 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng này đều lao dốc khoảng 4% trong tuần qua bất chấp phiên phục hồi ngày thứ Sáu. Lần gần nhất mà dầu WTI ghi nhận chuỗi 7 tuần giảm giá liên tiếp là cách đây 5 năm.
Góp phần hỗ trợ giá dầu, số liệu cho thấy tâm lý tiêu dùng tăng mạnh hơn kỳ vọng trong tháng 12, một diễn biến có thể được các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoan nghênh.
Trong khi đó, Ả-rập Xê-út và Nga, hai nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, hôm thứ Năm đã kêu gọi tất cả các thành viên OPEC+ tham gia một thỏa thuận cắt giảm sản lượng chỉ vài ngày sau cuộc họp căng thẳng của câu lạc bộ các nhà sản xuất.
Nhà đầu tư ồ ạt bán vàng sau tin NFP
Tin tức thị trường việc làm Mỹ đã dội gáo nước lạnh vào những nhà đầu tư đặt cược Fed sớm hạ lãi suất, tác động xấu tới vàng.
Hợp đồng vàng giao ngay giảm 1,3% xuống $2002,80/oz sau khi chạm mức thấp nhất trong phiên tại $1994,49/oz. Tính chung cả tuần qua, giá vàng giảm tổng cộng 3,4%, đánh dấu tuần sụt giảm mạnh nhất trong 10 tuần.
Hợp đồng vàng tương lai tại Mỹ hạ 1,3% xuống $2019,1/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust không có động thái mới trong ngày cuối tuần. Lượng vàng nắm giữ của quỹ duy trì ở mức 880,50 tấn.
Kết luận
Thị trường thực sự khá bất ngờ với dữ liệu Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ công bố hôm qua. Các số liệu từ JOLTs và ADP khiến phần đa thị trường tin tưởng vào một số liệu NFP xấu hơn dự báo. Tuy nhiên, thực tế là tỷ lệ thất nghiệp Mỹ lại giảm, việc làm tại Mỹ tăng vượt kì vọng. Tin tức đã là hồi chuông cảnh tỉnh giới thương nhân rằng Fed sẽ chưa vội hạ lãi suất. Nhưng rất nhanh thôi chúng ta sẽ có câu trả lời. Tuần tới sẽ là tuần của các Ngân hàng trung ương, với quyết sách của Fed, ECB, BOE và tin lạm phát Mỹ, vì thế nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.
Giavang.net