26 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

ZEG – tập đoàn tài chính khổng lồ Trung Quốc trước nguy cơ vỡ nợ

Theo Liên hợp buổi sáng, ngày 23/11, Tập đoàn Quản lý Tài chính Trung Quốc Zhongzhi Enterprise Group (ZEG) đã xin lỗi các nhà đầu tư và cho biết đang hứng chịu những rủi ro lớn liên tục trong hoạt động kinh doanh và đối diện với khoản nợ cao hơn gấp đôi tài sản.

Ngày 22/11, ZEG đã gửi “Thư xin lỗi đến các nhà đầu tư.” Trong thư cho biết, quy mô nợ của tập đoàn rất lớn, sau khi trừ đi tiền ký quỹ thì gốc và lãi của các khoản nợ liên quan dao động khoảng 420-460 tỷ NDT, trong khi tổng tài sản trên sổ sách chỉ còn 200 tỷ NDT, dẫn đến “lỗ hổng” 220 tỷ NDT (31 tỷ USD).

“Vì các tài sản của tập đoàn đều tập trung vào nợ và các khoản dài hạn, nên việc thu hồi rất khó khăn, số tiền có thể thu hồi thấp, thanh khoản cạn kiệt và tình trạng suy giảm tài sản nghiêm trọng”, bức thư cho biết.

ZEG cho biết sau khi người kiểm soát thực tế của tập đoàn là Giải Trực Côn qua đời vào năm 2021, nhiều quản lý cấp cao và nhân viên trụ cột cũng lần lượt rời khỏi tập đoàn, dẫn đến việc quản lý nội bộ mất hiệu quả. Mặc dù tập đoàn đã nỗ lực tự giải cứu, nhưng hiệu quả không như kỳ vọng.

ZEG vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận. Trước đó, tập đoàn này đã ủy thác cho KPMG tiến hành kiểm toán tình hình tài chính. Theo báo cáo, vào tháng Tám ZEG cho biết đang tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để ổn định tình hình.

ZEG là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc, hoạt động trong ngành dịch vụ tài chính, khai khoáng và xe điện. Lo ngại về tình hình tài chính của tập đoàn bắt đầu nổi lên từ tháng 8, khi một quỹ tín thác mà ZEG sở hữu một phần cho biết họ đã lỡ hạn thanh toán nợ cho các nhà đầu tư.

Tính đến cuối năm 2022, Quỹ Tín thác quốc tế Zhongrong quản lý các quỹ tổng trị giá 87 tỷ USD cho nhiều khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Quỹ này là một trong hàng ngàn hãng quản lý tài sản ở Trung Quốc trả quyền lợi cao cho các nhà đầu tư.

Các nhà phân tích ước tính, ngành công nghiệp tín thác ở Trung Quốc, còn gọi là ngành ngân hàng ngầm, trị giá 2,9 nghìn tỷ USD, lớn hơn quy mô nền kinh tế Pháp. Các ngân hàng ngầm thường cung cấp tài chính qua những hoạt động ngoài bảng cân đối hoặc thông qua thể chế tài chính phi ngân hàng, như công ty tín thác.

Ông Christopher Beddor, Phó Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc của Gavekal Dragonomics, dự đoán, nếu vấn đề của ZEG lan rộng, cơ quan quản lý giám sát tài chính của Trung Quốc sẽ vào cuộc.

Ông Christopher Beddor nhấn mạnh, ngành tín thác chiếm 5% hệ thống tài chính, mặc dù vấn đề không nghiêm trọng, nhưng khả năng các nhà đầu tư được hoàn trả đầy đủ là rất nhỏ.

Giavang.net

Đang tải....