Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể đạt đỉnh trước cuối thập niên này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang công nghệ sạch. Đây là dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo thị trường trung hạn Oil 2023 công bố ngày 14/6.
Trong báo cáo này, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ hằng năm sẽ giảm mạnh trong 5 năm tới, từ mức tăng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm 2023 xuống mức tăng còn 400.000 thùng/ngày vào năm 2028.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, sự chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc với đỉnh nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt trước cuối thập niên này trong bối cảnh xe điện, tiết kiệm năng lượng và các công nghệ khác phát triển. Ông nhấn mạnh, các nước sản xuất dầu mỏ cần đặc biệt chú ý đến tốc độ thay đổi nhanh chóng và cân nhắc quyết định đầu tư để đảm bảo chuyển đổi có trật tự.
IEA cho biết, nhu cầu dầu trong các ngành hóa dầu, hàng không và vận tải biển sẽ tiếp tục tăng đến năm 2050 nhưng sẽ không đủ để bù đắp cho nhu cầu thấp hơn từ vận tải đường bộ trong bối cảnh “doanh số bán xe điện tăng đáng kinh ngạc”. Theo báo cáo, Trung Quốc – quốc gia trong nhiều năm đã thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ dầu thô toàn cầu – sẽ chứng kiến nhu cầu tiêu thụ của nước này suy yếu trong vài năm tới, với tổng mức tiêu thụ giảm trong thời gian dài.
Tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đi theo con đường tương tự như nhu cầu về các loại hydrocarbon khác. IEA cho biết: “Chúng tôi đang đi đúng hướng để chứng kiến tất cả nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh trước năm 2030. Đây là lần đầu tiên tất cả các kịch bản do IEA đưa ra cho thị trường năng lượng toàn cầu đều chỉ ra sự sụt giảm trong tiêu thụ hydrocarbon trong thời gian ngắn”.
Báo cáo cho biết, đến năm 2030, số lượng xe điện trên đường có thể gấp 10 lần hiện nay. Các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện có thể cung cấp 50% điện năng cho thế giới, tăng từ mức 30% hiện nay. Máy bơm nhiệt và các hệ thống sưởi ấm bằng điện khác có thể bán chạy hơn lò hơi đốt gas và dầu. Đầu tư toàn cầu vào các trang trại gió ngoài khơi có thể vượt qua các nhà máy điện than và khí đốt.
Giá năng lượng trên thế giới đã tăng vọt trong năm 2022 sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine và phương Tây áp đặt các biện pháp cấm nhập khẩu, cũng như áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, giá dầu mỏ và khí đốt đã giảm trong vài tháng gần đây.
Giavang.net