Theo State Street Global Advisors, ngân hàng trung ương toàn cầu tập trung thâu tóm, dự trữ số lượng vàng kỷ lục từ đầu năm 2022. Xu hướng này vẫn tiếp tục khi nhiều nước trên thế giới đang tìm cách thoát ly tình trạng tập trung quá mức vào việc dự trữ đồng USD.
Trong báo cáo gần đây, nhà quản lý tài sản lớn thứ tư thế giới cho biết, các cơ quan tiền tệ khắp thế giới dự trữ tổng cộng gần 400 tấn vàng nửa đầu năm nay. Năm ngoái, họ dự trữ 1.083 tấn.
Theo công ty, ngoài việc đa dạng hóa dự trữ, ngân hàng trung ương khắp thế giới mong muốn cải thiện cân đối kế toán, tăng tính thanh khoản mà không vướng thêm rủi ro tín dụng.
“Lý do thúc đẩy việc mua vàng của ngân hàng trung ương khắp các quốc gia là đa dạng hóa dự trữ, cải thiện bảng cân đối kế toán và tăng thanh khoản từ tài sản không có rủi ro tín dụng. Việc dự trữ vàng đồng thời ít thay đổi do rủi ro kinh tế và tình hình chính trị bất ổn ngày càng tăng hiện nay”, Maxwell Gold, người đứng đầu chiến lược vàng tại State Street, nói với Business Insider.
Theo thống kê của Statista, tính đến quý II/2023, Mỹ đang là quốc gia dẫn đầu về số lượng vàng dự trữ với hơn 8.133 tấn. Tiếp sau đó là Đức với khoảng 3.352 tấn, Ý với hơn 2.451 tấn, Pháp với hơn 2.436 tấn, Liên bang Nga với 2.329 tấn và Trung Quốc với 2.113 tấn.
Có thể thấy rằng lượng vàng dự trữ của Mỹ hiện đang nhiều gấp hai lần của Đức, gấp ba lần trữ lượng vàng của Ý và Pháp. TOP 3 quốc gia dự trữ vàng lớn nhất thế giới đang “ôm” khoảng gần 14.000 tấn vàng.
Mặc dù đứng thứ 6 về lượng vàng dự trữ nhưng lượng vàng được khai thác ở Trung Quốc lại nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ngoài ra, Australia cũng là nơi có trữ lượng mỏ vàng lớn nhất toàn cầu và nước sản xuất vàng lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương đã trở thành những “ông lớn” mua vàng ròng nhiều nhất và duy trì vị thế này kể từ đó đến nay.
Giavang.net