Thước đo thị trường ưa thích của Warren Buffett đang nhấp nháy tín hiệu cảnh báo rằng chứng khoán Mỹ đang được định giá quá cao và có nguy cơ lao dốc.
Theo Markets Insider, thước đo ưa thích của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đang nhấp nháy ánh đỏ, báo hiệu rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang được định giá quá cao và có nguy cơ sẽ lao dốc. Tính đến phiên giao dịch ngày 28/7, Chỉ số Buffett đã tăng lên mức 171%.
Vào cuối năm 2001, “nhà hiền triết xứ Omaha” đã giới thiệu Chỉ số Buffett và tuyên bố đây “có lẽ là chỉ báo tốt nhất về định giá chứng khoán tại bất kỳ thời điểm nào”.
Hiện tại, nhiều người vẫn sử dụng nó để biết liệu thị trường chứng khoán Mỹ nói chung có đang bị định giá quá cao hoặc quá thấp hay không.
Trên tạp chí Fortune vào cùng năm, Buffett gợi ý rằng giá cổ phiếu đang ở mức hợp lý nếu Chỉ số Buffett ở mức 100% và nhà đầu tư sẽ có mòn hời nếu mua vào khi chỉ số này ở mức 70% hoặc 80%.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nhà đầu tư đang “đùa với lửa” nếu mua cổ phiếu khi Chỉ số Buffett ở mức 200%.
Nhà đầu tư huyền thoại từng lưu ý, khi Chỉ số Buffett tăng vọt trong thời kỳ bong bóng dot-com, đó là “tín hiệu cảnh báo rất mạnh” rằng thị trường sắp sụp đổ.
Chỉ số Buffett là gì?
Chỉ số Buffett là một thước đo thể hiện tổng giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ dưới dạng % so với GDP. Nói cách khác, đó là tỷ lệ giữa vốn hoá thị trường của tất cả cổ phiếu tại Mỹ so với GDP hàng năm.
Chỉ số Buffett đôi khi được gọi là tỷ lệ vốn hoá thị trường trên GDP. Về cơ bản, thước đo này giống như tỷ lệ giá trên doanh thu mỗi cổ phiếu (price-to-sales ratio).
Song, thay vì so sánh giá cổ phiếu của một công ty với doanh thu hàng năm của họ, Chỉ số Buffett so sánh toàn bộ thị trường chứng khoán của một quốc gia với tổng sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia đó.
Để xác định tổng giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ, người ta thường lấy vốn hoá của Wilshire 5000 – một chỉ số đại diện cho mọi cổ phiếu Mỹ được giao dịch công khai trên một sàn chứng khoán lớn.
Chỉ số Buffett hoạt động như thế nào?
Thông thường, khi không có bất kỳ sự kiện lớn nào xảy ra, chẳng hạn đại dịch Covid-19 vào năm 2020, GDP của Mỹ thường tăng tương đối đều đặn theo thời gian.
Ngược lại, thị trường chứng khoán lại hay biến động. Mặc dù giá cổ phiếu có xu hướng đi lên theo thời gian, diễn biến của thị trường hiếm khi diễn ra suôn sẻ. Điều này khiến nhà đầu tư khó đoán được giá trị nội tại của thị trường, theo The Street.
Do vậy, đường đại diện cho GDP khá trơn tru, nhưng đường đại diện cho chỉ số Wilshire 5000 lại khúc khuỷu hơn nhiều, phản ánh tính chất không ổn định của thị trường nói chung.
Chỉ số Buffett sử dụng cả hai bộ dữ liệu này để đánh giá thị trường chứng khoán đang bị định giá thấp hay cao và ở mức độ nào.
Trong năm nay, chỉ số Wilshire 5000 đã tăng 22%, nâng vốn hoá thị trường lên 46.320 tỷ USD – mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Đà đi lên của Wilshire 5000 được thúc đẩy bởi mức tăng 19% của S&P 500 và 37% của Nasdaq Composite.
Nhà đầu tư đang đặt cược vào sự bùng nổ của công nghệ AI, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất cũng như hạ cánh mềm nền kinh tế, thay vì đẩy Mỹ vào suy thoái.
Trong khi đó, số liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy GDP quý II đạt 26.840 tỷ USD. Kết quả là Chỉ số Buffett tăng lên mức 171%.
Thước đo ưa thích của Warren Buffett đã chứng minh được giá trị của mình vào năm ngoái, khi nó giảm mạnh từ mức 210% vào tháng 1 xuống còn 150% vào tháng 9 – cũng chính là giai đoạn mà thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc thảm hại.
Dù vậy, Markets Insider lưu ý rằng Chỉ số Buffett cũng có nhược điểm. Chẳng hạn, nó so sánh giá trị hiện tại của thị trường chứng khoán so với sản lượng kinh tế trong quá khứ.
Ngoài ra, GDP cũng không bao gồm thu nhập của doanh nghiệp ở nước ngoài, dù vốn hoá thị trường của các công ty Mỹ không chỉ phản ánh giá trị của các mảng kinh doanh trong nước mà còn cả ở nước ngoài.
Theo Vietnambiz