Tóm tắt
- SJC giảm thêm 50.000 đồng/lượng so với thời điểm mở cửa.
- Vàng thế giới giằng co nhẹ dưới ngưỡng 1.960 USD/ounce.
- Giá sau quy đổi giao dịch tại 56,58 triệu đồng/lượng.
- Tuần này, thị trường sẽ đón nhận nhiều số liệu thống kê quan trọng về kinh tế Mỹ.
- Đặc biệt là báo cáo việc làm tháng 7 do Bộ Lao động Mỹ công bố.
Nội dung
Cập nhật lúc 13h30, ngày 31/7, SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,55 – 67,17 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với giá mở cửa sáng nay.
SJC Hồ Chí Minh, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,55 – 67,15 triệu đồng/lượng, giá mua – bán cùng đi ngang so với thời điểm mở cửa.
DOJI Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,50 – 67,20 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua và bán so với giá mở cửa cùng ngày.
BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,52 – 67,13 triệu đồng/lượng, mua vào giảm 60.000 đồng/lượng, bán ra giảm 50.000 đồng/lượng so với giá mở cửa.
Thị trường thế giới
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.956 USD/ounce, giảm nhẹ so với ngưỡng 1.959 USD cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.720 VND/USD) giá vàng đứng tại 56,58 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn SJC 10,6 triệu đồng. Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 56,62 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 10,6 triệu đồng.
Tuần trước, giá vàng đương đầu với áp lực giảm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt tăng lãi suất thứ 11 trong vòng 12 cuộc họp trở lại đây, dù động thái này không nằm ngoài dự kiến.
Giới đầu tư cho rằng đây là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trong chu kỳ thắt chặt này, và nếu đúng là như vậy, giá vàng sẽ có cơ hội để bứt phá. Tuy nhiên, các số liệu thống kê gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ giữ được sự vững vàng. Trong quý II, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,4%, cao hơn mức dự báo tăng 2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Kinh tế trụ vững có thể dẫn tới việc lạm phát khó sớm giảm về ngưỡng 2% mà Fed đặt làm mục tiêu. Như vậy, Fed có thể phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn trước khi cắt giảm.
Vàng – tài sản không mang lãi suất sẽ gặp bất lợi trong môi trường lãi suất cao.
Tuần này, thị trường tài chính sẽ đón nhận nhiều số liệu thống kê quan trọng về kinh tế Mỹ, gồm chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) và số đầu việc mà doanh nghiệp Mỹ đang cần tuyển dụng vào ngày thứ Ba; báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của ADP vào ngày thứ Tư; số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần và chỉ số PMI ngành dịch vụ của ISM vào ngày thứ Năm; và cuối cùng, quan trọng nhất là báo cáo việc làm tháng 7 do Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.
Trong một cuộc trao đổi với trang Kitco News, ông Kevin Grady – Chủ tịch của Phoenix Futures and Options – nói rằng nếu các số liệu kinh tế trong tuần tới yếu đi, giá vàng sẽ tìm cách phá cận trên của vùng biên độ hiện tại. Ông nói thêm rằng một xu hướng suy yếu của số liệu kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn, vì điều đó củng cố khả năng Fed dừng thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng chỉ cần một dấu hiệu suy yếu nhỏ nhất của nền kinh tế cũng sẽ hỗ trợ giá vàng.
“Thị trường đang khao khát bất kỳ sự rõ ràng nào về tình hình kinh tế. Hiện tại, Fed đang duy trì lập trường cứng rắn vì các quan chức Fed muốn thấy lạm phát giảm hơn nữa. Bởi thế, bất kỳ dữ liệu nào cho thấy nền kinh tế suy yếu cũng có thể khiến Fed trở nên mềm mỏng hơn, và có lợi cho giá vàng”, ông Grady nói.
Giavang.net