24 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: Nhìn lại diễn biến giá vàng tuần này và đánh giá cơ hội bứt phá của vàng trong tuần NFP. Cơ hội hay thách thức?

Tóm tắt

  • Nhà đầu tư đang khá hoang mang về triển vọng giá vàng dù thị trường xuất hiện nhiều rung lắc.
  • Vàng (XAU/USD) tiếp tục giao dịch giữa các mức kỹ thuật chính.
  • Báo cáo việc làm Mỹ tháng 7 sẽ là chất xúc tác lớn tiếp theo cho thị trường kim loại quý.

Phân tích

Thị trường vàng tuần này biến động khá lớn, có lúc chạm vùng $1980 và cũng có thời điểm giá về dưới $1950. Theo các chuyên gia, báo cáo việc làm Mỹ tháng 7 sẽ là chất xúc tác chính tạo ra động thái lớn tiếp theo của quý kim.

Cùng nhìn lại diễn biến giá vàng tuần 24 – 28/7

Thị trường vàng khởi động tuần này một cách trầm lắng khi giới đầu tư hạn chế tham gia các vị thế lớn trước thông báo chính sách của Fed. Cuộc khảo sát PMI toàn cầu của S&P cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn ở trạng thái tốt hơn so với Khu vực đồng tiền chung châu Âu và nền kinh tế Vương quốc Anh trong tháng 6, theo đó, USD thu hút được dòng tiền chảy ra khỏi đồng Euro và Bảng Anh. Kết quả là, vàng (XAU/USD) giảm nhẹ ngày thứ Hai.

Vào thứ Ba, dữ liệu hàng tháng của Conference Board tiết lộ rằng Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã cải thiện lên 117,00 vào tháng 7 từ mức 110,1 hồi tháng 6. Chỉ số Tình hình Hiện tại tăng lên 160,0 từ 155,3 và Chỉ số Kỳ vọng của Người tiêu dùng tăng từ 80 lên 88,3. Những chỉ số này cho phép USD giữ vững vị thế của mình trong phiên thứ Ba.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản lên khoảng 5,25-5,5% như dự kiến sau cuộc họp chính sách tháng 7 vào ngày 26. Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã thực hiện rất ít hoặc không có thay đổi nào đối với tuyên bố chính sách so với tháng 6 và không gây ra nhiều hiệu ứng trên thị trường.

Thị trường tài chính toàn cầu chỉ biến động mạnh trong và sau cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell khi ông cho biết chính sách tiền tệ đã hạn chế và không xác nhận một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh. “Nếu chúng tôi thấy lạm phát giảm đáng kể, lãi suất có thể chuyển xuống mức trung lập và sau đó xuống dưới mức trung lập tại một số thời điểm” ông lưu ý thêm. Ngay lập tức, vàng (XAU/USD) thu được đà tăng và leo lên trên $1980.

Tuy nhiên, vào thứ Năm, USD đã có một sự trở lại ấn tượng và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng 4% sau loạt dữ liệu kinh tế cực kì ấn tượng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ đã tăng với tốc độ hàng năm là 2,4% trong quý II, vượt xa kỳ vọng của thị trường về mức tăng trưởng 1,8% với biên độ rộng.

Ngoài ra, Đơn đặt hàng lâu bền đã tăng 4,7% trong tháng 6 và Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần giảm xuống 221.000 từ 228.000. Tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng thay đổi sau dữ liệu của Mỹ và thị trường đánh giá lại triển vọng lãi suất của Fed vì ông Powell cũng cho biết “tăng trưởng mạnh hơn theo thời gian có thể làm tăng thêm lạm phát và có thể cần một phản ứng chính sách” vào thứ Tư. Theo đó, giá vàng giảm xuống dưới $1950 và xóa sạch những gì nó đạt được trong phiên liền trước.

Sang ngày thứ Sáu, Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ cho biết Chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE), đã giảm xuống 3% hàng năm vào tháng 6 từ mức 3,8% trong tháng 5. Chỉ số giá PCE lõi hàng năm, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 4,1% hàng năm, giảm từ mức 4,6% trong tháng 5. Những dữ liệu này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc của Hoa Kỳ hạ nhiệt cuối tuần và giúp vàng (XAU/USD) lấy lại phần nào những gì đã mất trong ngày 27/7.

Lịch kinh tế tuần 31/7 – 4/8 có gì đáng chú ý?

Ngay trong sáng thứ Hai, dữ liệu PMI sản xuất và PMI phi sản xuất của NBS Trung Quốc sẽ được công bố. Trung Quốc là đất nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới nên tình hình kinh tế nước này ảnh hưởng khá lớn tới thị trường vàng. Chỉ số PMI sản xuất trên 50 có thể giúp vàng (XAU/USD) khởi động tuần mới trong tâm thế tích cực.

Vào thứ Ba, dữ liệu Cơ hội việc làm của JOLTS và PMI Sản xuất của ISM của Mỹ sẽ là số liệu mang tính định hướng thị trường. Chỉ số PMI Sản xuất của ISM đã ở mức dưới 50 trong tháng thứ tám liên tiếp vào tháng 6. Trừ khi có sự sụt giảm đáng kể về mức 40, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu khảo sát PMI cho thấy hoạt động kinh tế của lĩnh vực sản xuất đang ở trạng thái thu hẹp (dưới 50).

Trong bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn của mình, Chủ tịch Powell nhắc lại rằng về cơ bản nhu cầu lao động vẫn vượt quá nguồn cung lao động. Nếu số liệu Cơ hội việc lam JOLTS gần mức 10 triệu có thể khẳng định lại các điều kiện thị trường lao động chặt chẽ và dẫn đến các đặt cược diều hâu của Fed, khiến vàng (XAU/USD) chịu áp lực giảm giá.

Sau đó, báo cáo việc làm khu vực tư nhân của ADP và PMI Dịch vụ ISM sẽ được công bố lần lượt vào thứ Tư và thứ Năm. Vào thứ Sáu, Cục Thống kê Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 7. Biên chế phi nông nghiệp (NFP) được dự báo sẽ tăng 184.000 trong tháng 7 sau mức tăng 209.000 hồi tháng 6. Các con số gần ngưỡng 200.000 sẽ đủ tốt để Fed xem xét thắt chặt thêm chính sách mà không phải lo lắng quá nhiều về sự gia tăng đáng kể của Tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, nếu NFP xuống dưới 150.000, thị trường có xu hướng kì vọng vào một Fed ôn hòa, gây áp lực lên lợi suất và đẩy vàng tăng trong phiên cuối tuần. Xin lưu ý rằng kỳ vọng của thị trường đối với NFP có thể thay đổi khi các số liệu về ADP và Đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần được công bố trước đó.

Tóm lại, vàng (XAU/USD) phải đối mặt với rủi ro hai chiều trong ngắn hạn. Dữ liệu của Hoa Kỳ đột ngột xấu đi có thể làm hồi sinh kỳ vọng về việc không thay đổi lãi suất chính sách của Fed trong năm nay và khiến giá vàng tăng cao.

Ngược lại, các thị trường có khả năng định giá Fed nâng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 11 hoặc tháng 12 nếu nền kinh tế Mỹ chứng tỏ khả năng phục hồi và các điều kiện thị trường lao động vẫn thắt chặt. Trong trường hợp đó, vàng (XAU/USD) có thể khó thoát khỏi áp lực giảm giá.

Vàng: Góc nhìn phân tích kĩ thuật

Chỉ báo Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) trên biểu đồ hàng ngày bắt đầu tăng cao hơn sau khi giảm xuống 50 vào thứ Năm, cho thấy rằng các nhà đầu tư vẫn có xu hướng mua vào vàng khi giá giảm.

Xét theo kịch bản tăng, Đường trung bình động (SMA) 100 ngày và Trung bình động 20 tuần tại $1970 là kháng cự của thị trường. Mặc dù vàng (XAU/USD) từng đóng phiên trên mức kháng cự này vào giữa tuần nhưng áp lực bán khiến vàng rời xa mức này. Do đó, để phe mua có thể tự tin hơn, vàng cần phải xác nhận vùng kháng cự $1970 chuyển thành hỗ trợ. Trong trường hợp đó, $1980 (mức tĩnh) được coi là ngưỡng kháng cự tạm thời trước $2000 (mức tâm lý, mức tĩnh).

Đối với kịch bản giảm, vàng đang xác nhận vùng hỗ trợ quan trọng tại $1945/$1950, nơi mức thoái lui Fibonacci 23,6% của xu hướng tăng dài hạn, đường SMA 20 ngày và đường SMA 50 ngày gặp nhau. Nếu vàng (XAU/USD) trượt xuống dưới hỗ trợ mạnh và coi nó là kháng cự, phe bán sẽ trở nên đông đảo hơn rất nhiều, tạo áp lực đẩy giá về $1920 và $1900 (Fibonacci thoái lui 38,2%, SMA 200 ngày).

Khảo sát giá vàng từ FxStreet

Cuộc thăm dò do FXStreet ghi nhận thị trường dự báo vàng giảm nhẹ trong thời gian tới, với mục tiêu trung bình là $1953. Triển vọng một tháng của vàng vẫn là tăng, với một số chuyên gia được thăm dò ý kiến cho rằng giá Vàng sẽ đạt $2000.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....