ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 21/7
- Nga: Ngân hàng trung ương nâng lãi suất lên 8,5% – cao hơn dự báo là 8% và mức 7,5% của kì trước.
- Canada: Doanh số bán lẻ lõi tháng 5 tăng 0% hàng tháng – thấp hơn dự báo là 0,3% và mức 1,2% của tháng 5 (đã điều chỉnh).
- Canada: Chỉ số giá nhà ở mới tháng 6 tăng 0,1% hàng tháng – cao hơn dự báo là 0%.
- Canada: Doanh số bán lẻ tháng 5 thăng 0,2% hàng tháng – thấp hơn dự báo là 0,5% và mức 1% của tháng 5 (đã điều chỉnh).
Dow Jones thu hẹp bước tiến nhưng vẫn hoàn thành mạch tăng 10 ngày liên tiếp không nghỉ
Chứng khoán Mỹ khởi động phiên thứ Sáu bởi đà tăng khoảng 0,2-0,4% của các chỉ số. Tuy nhiên, áp lực chốt lời xuất hiện khiến các chỉ số đi xuống vào cuối phiên.
Cụ thể, chốt phiên 21/07, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chỉ tăng 3 điểm, tương đương 0,01% và đóng cửa ở mức 35.228 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,03% lên ngưỡng 4.536 điểm. Ở chiều ngược lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,22%, xuống còn 14.033 điểm.
Dow Jones nối dài mạch tăng sang phiên thứ 10 liên tiếp. Đây là chuỗi leo dốc dài chưa từng thấy kể từ tháng 8/2017 của chỉ số này.
Cổ phiếu của gã khổng lồ vận tải CSX mất 3,7% do kết quả kinh doanh không khả quan. Công ty dịch vụ tài chính American Express ghi nhận cổ phiếu sụt 3,9%.
Thị trường tiếp tục ghi nhận sự phân hóa với nhóm cổ phiếu Tiện ích tăng 1,5% – dẫn đầu trên S&P 500 sau đó là nhóm Y tế và Năng lượng. Các cổ phiếu Công nghệ, Tài chính, Công nghiệp và Viễn thông giảm, gây áp lực lên chỉ số.
Tính theo tuần, chỉ số S&P 500 tăng 0,69%, Dow Jones nhảy vọt 2,08%. Ở chiều ngược lại, Nasdaq Composite đã đi xuống 0,57% trong 5 phiên giao dịch gần nhất do áp lực bán cổ phiếu công nghệ.
Tỷ giá
Đóng phiên 21/7, Chỉ số DXY tiếp đà đi lên 0,26% lên 101,085 – xác nhận 4 phiên tăng liên tục. Theo tuần, chỉ số này 1,13% – lấy lại một nửa những gì đã mất trong tuần trước.
- Cặp EUR/USD hạ nhẹ 0,04% về 1,11245 trong ngày thứ Sáu. Theo tuần, đồng EUR mất 0,9% giá trị.
- Cặp GBP/USD nối dài mạch giảm sang ngày thứ sáu liên tục, hạ 0,12%, còn 1,28527. Tính chung cả tuần, cặp tỷ giá sụt 1,84% – xóa bỏ gần như toàn bộ đà tăng của tuần trước.
- Cặp USD/JPY vọt 1,25% đóng phiên ở 141,827 – xác nhận 6 cây nến xanh liên tục. Theo tuần, cặp USD/JPY tăng 2,27%.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đóng phiên 21/07 tại 3,841% (-0,34% trong ngày). Theo tuần, lợi suất tăng 0,18%.
Dầu thô cao nhất 2 tháng
Thị trường năng lượng duy trì mức đỉnh 2 tháng bất kể đồng USD tăng giá khi nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ ngày càng thắt chặt.
Kết thúc phiên thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 1,43 USD (tương đương 1,8%) lên 81,07 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,42 USD (tương đương 1,9%) lên 77,07 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 25/04.
Theo tuần, dầu Brent tăng 1,2% còn dầu WTI tăng gần 2%.
Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm, trong bối cảnh xuất khẩu dầu thô và mức sử dụng của nhà máy lọc dầu tăng, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết. Trước đó, EIA cũng dự báo sản lượng dầu đá phiến và khí đốt của Mỹ trong tháng 8/2023 giảm – lần đầu tiên – trong năm nay, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Đồng thời, cơ quan năng lượng Mỹ trong tuần này đã giảm 7 giàn khoan dầu – mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 6/2023, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết.
SPDR gom mua mạnh nhưng vàng lại giảm
Vàng tiếp tục điều chỉnh giảm trong phiên cuối tuần khi USD tăng cao, thiết lập tuần tăng giá khá tốt.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/7, vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% xuống $1962,85/oz, song tính chung cả tuần giá vàng tăng 0,4% và vàng kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn New York giảm 0,2% xuống $1966,6/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR gom thêm tới 5,2 tấn vàng trong phiên thứ Sáu. Lượng vàng nắm giữ của quỹ lên ngưỡng 919 tấn.
Kết luận
Thị trường tiếp tục giữ ổn định xu hướng chung trong phiên cuối tuần do có khá ít các thông tin kinh tế có tầm ảnh hưởng cũng như không có bất kì quan điểm nào của quan chức Ngân hàng trung ương.
Xét riêng về vàng, thị trường đã gặp áp lực chốt lời sau khi leo nhanh lên đỉnh 2 tháng $1988 và xoa dịu tình trạng quá mua trên các biểu đồ kĩ thuật. Nhà đầu tư cũng đang trong giai đoạn đánh giá lại triển vọng chính sách tiền tệ của Mỹ ngay trước thềm cuộc họp tháng 7 của Fed vào tuần sau. Nếu tuần này khá bình lặng thì nhà đầu tư hãy chuẩn bị sẵn tâm lí cho một tuần cuối tháng 7 nhiều sóng gió với hai cuộc họp quan trọng của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang và Ngân hàng Trung ương châu Âu cùng các loạt các chỉ báo kinh tế quan trọng: PMI, Niềm tin tiêu dùng, việc làm…
Giavang.net