25 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin tức thị trường 24/7

VIP Tin 24/7: Vàng nhẫn tăng 600.000 đồng trong tuần này nhờ phản ứng nhạy bén, đà tăng của SJC chưa bằng một nửa

Tóm tắt

  • Tăng mạnh, vàng thế giới lên gần 1 triệu đồng/lượng tuần này.
  • Phản ứng tích cực, vàng nhẫn bật tăng 600.000 đồng mỗi lượng.
  • SJC khá “nhạt nhòa” với nhịp tăng chưa tới 300.000 đồng.
  • Chênh lệch mua – bán cao, đầu tư theo tuần khó có lãi.
  • Giữ vàng nhẫn từ đầu năm lãi gần 2 triệu đồng, “ôm” SJC vẫn lỗ.

Nội dung

Vàng thế giới

Tuần này giá vàng thế giới tăng trên 1,6% và dừng chân tại ngưỡng 1.955 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.710 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 56,53 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 55,76 triệu đồng/lượng, với tỷ giá ở mức 23.750 VND/USD. Sau một tuần biến động, vàng thế giới theo giá quy đổi tăng mạnh gần 800.000 đồng/lượng.

Biến động giá vàng thế giới trong tuần này

Không giữ được mức cao nhất 1 tháng – trên 1.960 USD, giá vàng thế giới vẫn kết thúc tuần với đà tăng mạnh – ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong 3 tháng.

Trọng tâm chú ý của thị trường trong tuần này là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, loạt dữ liệu thống kê cho thấy lạm phát tại Mỹ trong tháng 6 yếu hơn dự báo. Việc lạm phát xuống thang làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm kết thúc việc tăng lãi suất.

Vàng là tài sản không mang lãi suất nên kỳ vọng lãi suất đó có lợi cho giá vàng. Ngoài ra, kỳ vọng lãi suất như vậy gây áp lực mất giá lên đồng USD, mà vàng lại được định giá bằng USD, nên giá kim loại quý này hưởng lợi kép.

Đồng USD giảm gần 2,3% trong tuần này – mức giảm mạnh nhất trong 1 tuần của đồng tiền này kể từ tháng 11 năm ngoái.

Hôm thứ Năm tuần này, Thống đốc Fed Christopher Waller nói ông chưa sẵn sàng để đưa ra một đánh giá rõ ràng về tình hình lạm phát và vẫn ủng hộ việc tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm – quan điểm mà Fed đã thể hiện trong cuộc họp tháng 6.

Trong một báo cáo, chiến lược gia trưởng về hàng hoá cơ bản của Saxo Bank, ông Ole Hansen cho rằng triển vọng dài hạn của giá vàng đã được cải thiện, nhưng “chúng tôi vẫn còn thận trọng” xét tới khả năng Fed có thể “dội gáo nước lạnh” bằng cách duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn.

Chuyên gia Brian Lan của GoldSilver Central tại Singapore nhận định, trọng tâm thu hút sự chú ý của thị trường vẫn là cuộc họp tiếp theo về chính sách lãi suất của Fed. Điều này có thể quyết định giá vàng trong ngắn hạn.

Phillip Streible, chiến lược gia tại Blue Line Futures đánh giá, theo sau những số liệu kinh tế mới công bố, thị trường vàng phục hồi mạnh. Giá vàng có thể đẩy lên mốc 2.000 USD/ounce.

Vàng miếng SJC

Vàng miếng SJC tại công ty CP SJC Sài Gòn chốt phiên cuối tuần (15/7) ở mức 66,50 – 67,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), đi ngang chiều mua, tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần (10/7). Biên độ mua – bán giữ ở mức 700.000 đồng, tương đương với cuối tuần trước.

Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá mua – bán của vàng miếng chốt phiên cuối tuần ở mốc 66,70 – 67,20 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua và 170.000 đồng/lượng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần.

Biến động giá vàng miếng SJC trong tuần này

Trong tuần này, giá vàng miếng đã có lúc đạt mức 67,4 triệu đồng/lượng – cao nhất gần 2 tháng khi giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.960 USD/ounce trong phiên thứ Năm 13/7, nhưng mức giá này không duy trì được lâu mà quay đầu giảm ngay trong ngày hôm đó.

Chênh lệch mua – bán của vàng miếng SJC trong tuần này giữ mức 600.000 đồng phổ biến trong tuần và đẩy lên 700.000 đồng vào ngày cuối tuần. Diễn biến này tương tự với “kịch bản” của tuần trước.

Cả tuần, giá vàng miếng chỉ tăng khoảng 100-300.000 đồng/lượng tùy đơn vị, trong khi giá vàng thế giới tăng tới gần 1 triệu đồng/lượng, đã khiến mức chênh lệch giữa hai thị trường thu hẹp đáng kể. Cụ thể, SJC hiện tại đang cao hơn vàng thế giới 10,7 triệu đồng, giảm mạnh 700.000 đồng so với mức 11,4 triệu đồng cuối tuần trước.

Vàng nhẫn 9999

Nhẫn SJC 9999 chốt phiên cuối tuần tại mốc 55,80 – 56,80 triệu đồng/lượng (MV – BR), tăng 600.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần. Chênh lệch mua – bán duy trì mức 1 triệu đồng như tuần trước.

Với giao dịch đã khá cao từ phiên đầu tuần, nhẫn tròn trơn 9999 tại Công ty Bảo Tín Minh Châu có nhịp tăng yếu hơn so với vàng nhẫn của SJC. Cụ thể, giá nhẫn tại BTMC chốt phiên cuối tuần 15/7 tại mốc 55,93 – 56,78 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua và 100.0000 đồng/lượng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần.

Trong phiên 13/7, vàng nhẫn đã thiết lập lại mốc 57 triệu đồng lần đầu tiên kể từ ngày 23/5, nhưng cũng không giữ được lâu và giảm ngay trong ngày hôm đó.

Dù không giữ được mốc 57 triệu đồng, vàng nhẫn vẫn có một tuần “tỏa sáng” cùng giá vàng thế giới với đà tăng lên tới 600.000 đồng.

Với kết quả trên, chênh lệch giữa vàng miếng và vàng nhẫn có xu hướng giảm mạnh, từ mức 11 triệu đồng cuối tuần trước xuống 10,4 triệu đồng cuối tuần này – mức giảm là 600.000 đồng. Vàng nhẫn cũng có xu hướng thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới và hiện chỉ còn cao hơn vàng thế giới gần 300.000 đồng.

Đà tăng khá mạnh nhưng phải chịu mức chênh lệch mua – bán lên tới 1 triệu đồng, nhà đầu tư mua vàng nhẫn trong tuần này vẫn lỗ 400.000 đồng cho mỗi lượng vàng.

Nếu tính từ đầu năm tới nay, giá vàng nhẫn đã tăng khoảng 2,7 triệu đồng/lượng, trong khi vàng miếng chỉ tăng khoảng 200.000 đến dưới 1 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu giữ vàng nhẫn từ đầu năm tới nay nhà đầu tư đã lãi khoảng 1,7 triệu đồng mỗi lượng. Giữ vàng miếng thì vẫn chưa có lãi, thậm chí còn bị lỗ.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....