Trong một cuộc bỏ phiếu ngày 20/4 (giờ địa phương), Nghị viện EU đã thông qua Đạo luật thị trường tiền điện tử, hay còn gọi là MiCA, với 517 phiếu ủng hộ và 38 phiếu chống.
Đạo luật nhằm giảm thiểu rủi ro cho người mua tài sản tiền điện tử, có nghĩa là các nhà cung cấp có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu họ làm mất tài sản tiền điện tử của nhà đầu tư. MiCA sẽ có hiệu lực từ năm 2024.
Nghị viện châu Âu cho biết rằng, các quy tắc sẽ áp đặt một số yêu cầu đối với nền tảng tiền điện tử, nhà phát hành mã thông báo và nhà giao dịch về tính minh bạch, tiết lộ, ủy quyền và giám sát giao dịch. Các nền tảng sẽ được yêu cầu thông báo cho người dùng về những rủi ro liên quan đến hoạt động của họ, trong khi việc bán mã thông báo mới cũng sẽ tuân theo quy định.
Các stablecoin như tether và USDC sẽ được yêu cầu duy trì lượng dự trữ dồi dào để đáp ứng các yêu cầu quy đổi trong trường hợp rút tiền hàng loạt. Các stablecoin quá lớn cũng phải đối mặt với việc bị giới hạn giao dịch ở mức 200 triệu euro (220 triệu USD) mỗi ngày.
Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA) sẽ được trao quyền can thiệp và cấm hoặc hạn chế các nền tảng tiền điện tử nếu chúng được xem là không bảo vệ đúng cách các nhà đầu tư hoặc đe dọa tính toàn vẹn của thị trường hoặc sự ổn định tài chính.
MiCA cũng giải quyết các mối quan tâm về môi trường xung quanh tiền điện tử, với việc các công ty buộc phải tiết lộ mức tiêu thụ năng lượng cũng như tác động của tài sản kỹ thuật số đối với môi trường.
Trên trang Twitter, Ủy viên châu Âu về ổn định tài chính và vốn thị trường Mairead McGuinness cho biết đây là cuộc bỏ phiếu “đầu tiên trên thế giới” về các quy định đối với tiền điện tử.
Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của thị trường. Các quy định trên sẽ bắt đầu được thực thi từ năm 2024.”
Về phần mình, nghị sỹ Stefan Berger, người đứng đầu các cuộc đàm phán về đạo luật trên, cho biết quy định mới sẽ đưa EU “lên vị trí dẫn đầu của nền kinh tế mã hóa.”
Ông khẳng định: “Ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số của châu Âu được quản lý rõ ràng và điều này chưa từng tồn tại ở các nước như Mỹ. Lĩnh vực vốn bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX giờ đây có thể lấy lại uy tín.”
Bên cạnh đó, Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua một đạo luật riêng nhằm giảm thiểu tình trạng ẩn danh liên quan đến việc chuyển tiền điện tử như Bitcoin và stablecoin.
Quy định về chuyển tiền sẽ giúp giám sát chặt chẽ hơn đối với các giao dịch tiền điện tử, khiến nó phù hợp hơn với các hoạt động tài chính truyền thống. Theo EU, điều này sẽ khiến tội phạm khó sử dụng tiền điện tử hơn cho hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền.
Các quy tắc về tiền điện tử sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2024, sau khi các quốc gia thành viên EU chính thức thông qua luật. Ngoài ra, EU cũng đang chuẩn bị đưa ra các đề xuất về đồng euro kỹ thuật số vào cuối năm nay.
Các quy tắc được EP thông qua được kỳ vọng sẽ định hình một ngành công nghiệp đang chìm trong những vụ bê bối và phá sản. Một trong những sự cố sàn giao dịch tiền điện tử gần đây nhất xảy ra vào tháng 11/2022, khi nền tảng FTX và công ty giao dịch Alameda Research bị phá sản, giải thể một doanh nghiệp giao dịch ảo có thời điểm trị giá lên tới 32 tỷ USD.
Giavang.net