Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đã dấy lên lo ngại sẽ trở thành hiệu ứng domino gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mặc dù thị trường chưa biết được liệu sự sụp đổ SVB có gây ra rủi ro lan rộng đối với hệ thống tài chính hay không, nhưng những thông tin này khiến nhà đầu tư khá hoang mang. Vậy thị trường chứng khoán sẽ phản ứng như thế nào trước thông tin trên?
Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, xét về cả thanh khoản lẫn quy mô, sự kiên SVB đều chưa đủ ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính.
Thứ nhất là về thanh khoản, tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) của SVB chỉ có 43%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng lớn ở Mỹ là trên 70%. Tổng tài sản SVB là 212 tỷ USD, trong đó có 165 tỷ USD là tiền gửi.
Theo thống kê thì họ có thể thu xếp được 95 tỷ USD để backup thanh khoản cho thứ Hai người dân đi rút tiền, 95 tỷ USD đó đến từ 50 tỷ USD là từ government bond + 25 tỷ USD (hàng hóa, CDS,…), + 15 tỷ USD cash của họ + gần 5 tỷ USD từ các hoạt động tái chính khác đáo hạn từng quý. Tóm lại có khoảng 58% nguồn tiền để đảm bảo thanh khoản ngắn hạn, nhưng điều này có thể gây ra hành động bán tháo tài sản và gây ra khoản lỗ lớn cho chính SVB.
Xét về quy mô, SVB chỉ có khoảng 212 tỷ USD, còn Lehman Brother thời 2008 là 639 tỷ USD. Do đó, chuyên gia cho rằng SVB vẫn chưa đủ sức để gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008. Các khoản MBS (tương tự như trái phiếu) ước tính khoảng đâu đó hơn 70 tỷ USD, tính ra chỉ bằng gần 1 tháng Fed đi mua MBS trong gói QE. Điều này cho thấy Fed có thừa khả năng để ra tay hỗ trợ ngân hàng này.
Thêm vào đó, giá cổ phiếu SVB giảm hơn 60% trong phiên 10/3, nhưng JPMorgan thì lại tăng 2,54%. Điều này cho thấy nhiều ngân hàng lớn khác có thể đang hưởng lợi từ vụ SVB.
Ngay cả khi không có rủi ro hệ thống nào xảy ra, nhưng chuyên gia nhấn mạnh rằng khó khăn của SVB là một lời nhắc nhở rằng các ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận ngay cả trong môi trường lãi suất tăng.
Trước những phân tích trên, ông Minh cho rằng khả năng áp lực tâm lý khiến thị trường có thể rung lắc mạnh trong những phiên đầu tuần, song xu hướng sẽ tích cực hơn vào cuối tuần. Bởi dòng tiền đã có sự hồi phục tốt trong những phiên gần đây, cộng thêm nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ các quỹ ngoại cũng là lực đỡ quan trọng. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường cũng có chiều hướng tốt hơn, nhiều cổ phiếu chiết khấu tương đối thấp. Do đó, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò với tỷ trọng thấp.
Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cũng cho rằng SVB là trường hợp cục bộ và là ví dụ điển hình cho việc quản lý không tốt Balance Sheet trong suy thoái, chứ không phải bất nguồn từ rủi ro hệ thống và khả năng thấp có thể gây nên một hiệu ứng dây chuyền.
Do đó, thị trường khả năng vẫn tiếp tục quá trình tích lũy trong biên với hỗ trợ quanh 1.020-1.030, kháng cự quanh 1.070-1.080 . Theo chuyên gia DSC, dù có rung lắc nhất định và thị trường biến động từng phiên theo các thông tin mới, nhưng xu hướng chung vẫn là tích lũy với việc nền giá chung của thị trường được xác lập . Diễn biến thị trường không quá tệ và có những cơ hội đầu tư với nhiều nhóm cụ thể.
Xác suất để VN-Index bật tăng sau đà tích lũy (TT tích lũy) hoặc tiếp tục kiểm tra lại các đường hỗ trợ (TT bán tháo) xảy ra là 50/50. Nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn vốn, và chiến thuật đầu tư phù hợp cho cả 2 trường hợp.
Tuy nhiên, thị trường phân hóa là một tín hiệu tốt cho cả 2 kịch bản – tích lũy hay bán tháo. Chỉ báo cho thấy dòng tiền ngoài thị trường vẫn đang chờ đợi các cơ hội để giải ngân vào các cổ phiếu giá rẻ. Sự phân hóa của dòng tiền cho nhà đầu tư hy vọng rằng các cơ hội cụ thể vẫn tồn tại, thay vì tất cả các cổ phiếu đều có triển vọng bi quan theo chỉ số chung.
Ông Vicente Nguyen, CIO AFC Vietnam Fund (quỹ đầu tư quy mô hơn 70 triệu USD) khẳng định, sự sụp đổ này mang tính nội bộ của SVB hơn là một rủi ro mang tính hệ thống. Nếu đã không phải rủi ro mang tính hệ thống thì khả năng lây lan sẽ hạn chế và sớm được ngăn chặn. Và nếu đúng như thế thì tác động đến Việt Nam cũng không đáng kể.
“Sự kiện này không liên quan tới thị trường chứng khoán Việt Nam, sẽ không có đợt bán tháo nào vì Ngân hàng SVB nhỏ xíu, chiếm chưa tới 1% tổng tài sản lẫn huy động cho vay”, ông Vicente Nguyen nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo CIO AFC Vietnam Fund, có thể sẽ xuất hiện một nhịp chỉnh trong ngắn hạn song, đối với AFC nhịp chỉnh này là cơ hội mua, đối với nhà đầu tư cá nhân dài hạn cũng vậy.
Ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, ông Lương Khoa, một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường cho rằng, SVB đóng cửa sẽ không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam và các NHTM đang hoạt động, kinh doanh ở Việt Nam.
Vì quy mô của SVB quá nhỏ, và cũng không hề có bất cứ quan hệ kinh doanh đầu tư nào của SVB với các Ngân hàng ở Việt Nam và các quỹ đầu tư khác đang tiến hành đầu tư ở Việt Nam, nó có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ ngân hàng thì cũng chỉ ảnh hưởng tâm lý đám đông, lo sợ họ bán tháo thì sẽ khiến cổ phiếu Ngân hàng nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung sẽ bị giảm trong ngắn hạn. Chứ gây ra sụp đổ theo kiểu hiệu ứng domino đối với các Ngân hàng đang hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam là không.
Dẫu vậy, một cách thận trọng hơn, ông Phong Trần, chuyên gia tư vấn tài chính độc lập cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, quan sát kỹ trước khi quyết định xuống tiền giai đoạn này bởi thực tế rất khó để lường trước những thông tin mang tính rủi ro cao. “Một đốm lửa nhỏ có thể lan ra cả khu rừng”, vị này nhấn mạnh.
Giavang.net