Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, VN-Index giảm 14,1 điểm (1,34%) về 1.039,56 điểm; HNX-Index giảm 1,98 điểm (0,95%) xuống 207,32 điểm; UPCoM giảm 0,67 điểm (0,87%), dừng ở mức 76,73 điểm.
Thị trường trong nước khép lại một tuần giảm điểm, trong đó có 4 phiên giảm liên tiếp. Kể từ khi tạo đỉnh ngắn hạn ở khu vực 1.124 điểm, thị trường đã giảm 3/4 tuần gần đây, điểm cần lưu ý ở tuần giảm này là việc khối ngoại tăng cường bán ròng.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 98 mã tăng/311 mã giảm. Áp lực bán cũng dâng cao ở rổ VN30 khi chỉ có 3 mã tăng trong khi có tới 26 mã giảm. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt 1,81% và 1,2%.
Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 27/2:
Công ty chứng khoán MB (MBS)
Thị trường đã khép lại một tuần giảm điểm cùng xu hướng với chứng khoán thế giới. Với ba tuần giảm liên tiếp, đa phần các thị trường trên thế giới đang trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA50. Việc thị trường trong nước điều chỉnh giảm trong tuần vừa qua có thể do yếu tố nội tại hơn là đến từ sự tác động của thị trường chứng khoán thế giới.
Trong đó, một trong các lực cản khiến thị trường trượt dốc là việc khối ngoại bán ròng mạnh. Sau 4 phiên giảm liên tiếp và vị thế lỗ chiếm đa số, dòng tiền nội đã co lại nhanh chóng, thị trường nhiều khả năng sẽ tìm điểm cân bằng và dao động trong vùng 1.030-1.035 điểm trong bối cảnh trong nước không có thông tin hỗ trợ.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần với nến đỏ giảm điểm thể hiện sự thất bại của nỗ lực phục hồi. Xét về khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI đều đồng loạt cho tín hiệu tiêu cực cho thấy áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Nếu thanh khoản bán chủ động tiếp tục gia tăng thì xác suất VN-Index giảm về vùng 1.000 điểm là cần được tính đến.
Bên cạnh đó, tại khung đồ thị tuần, việc VN-Index tiến sát về dải mây dày ichimoku cho thấy việc bứt phá trở lại của thị trường sẽ càng khó khăn hơn.
Khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, hạn chế bắt đáy ngay cả khi VN-Index bật nảy trong phiên khi chạm các vùng hỗ trợ. Tại thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên đợi chờ những tín hiệu tạo điểm cân bằng rõ ràng hơn, ít nhất là từ 3-5 phiên tích lũy tích cực trở lại.
Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index ghi nhận một nhịp giảm điểm giằng co với biên độ mở rộng trước khi hồi phục một phần vào cuối phiên. Lực cầu suy yếu trong khi áp lực bán chủ động gia tăng đã khiến cho chỉ số quay trở lại xu hướng giảm điểm chủ đạo.
Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index đang đứng trước rủi ro tiếp tục quán tính giảm điểm trong các phiên theo với các vùng hỗ trợ đáng lưu ý, gần là quanh 1.03x và sâu hơn là 1.010 (+-5). Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và đưa tỷ trọng về mức an toàn.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Giavang.net