20 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Kinh tế thế giới: GDP Mỹ tăng 3,2% trong quý III/2022; Lạm phát tháng 11 của Nhật Bản tăng 3,7%

Ngày 22/12, Bộ Thương mại Mỹ công bố nền kinh tế tăng trưởng 3,2% trong quý III. Đây là lần đầu tiên trong năm nay nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy sự tăng trưởng dương trở lại sau hai quý đầu tiên tăng trưởng âm khiến giới chức Mỹ lo ngại nguy cơ suy thoái có thể xảy ra.

GDP Mỹ tăng trưởng 3,2% trong quý III/2022. Trước đó, con số sơ bộ cho thấy GDP Mỹ tăng trưởng 2,9%.

Sự thay đổi này đến từ việc điều chỉnh tăng đáng kể về lượng tiêu thụ cá nhân từ 1,7% lên 2,3%. Chi tiêu dịch vụ cũng tăng mạnh hơn so với số liệu sơ bộ trong quý III/2022.

Những con số này cho thấy chi tiêu tiêu dùng vẫn còn rất mạnh, bất chấp con số lạm phát cao và lãi suất cao hơn. Hoạt động tuyển dụng vẫn mạnh dù nền kinh tế đối mặt với nhiều cơn gió ngược.

Tuy vậy, Phố Wall đang kỳ vọng sức mua của người tiêu dùng sẽ giảm trong năm 2023 và nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái. Điều này là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện hàng loạt đợt nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát vốn vẫn đang ở mức cao.

Trong một diễn biến đáng ngại, các đợt tăng lãi suất của Fed đến nay chưa thể kéo giảm lạm phát đáng kể. Trước đó, dữ liệu cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng (CPI) tăng 7,1% trong tháng 11/2022, gấp 3 lần so với mức trung bình trước dịch.

Điều này cho thấy Fed sẽ buộc phải tiếp tục con đường chống lạm phát quyết liệt, qua đó làm gia tăng khả năng nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Fed đã nâng lãi suất 7 lần liên tiếp, bao gồm cả 4 đợt nâng 0,75 điểm phần trăm, đồng thời báo hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023.

Lạm phát ở Nhật Bản tăng mạnh nhất kể từ năm 1981

Ngày 23/12, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) thông báo trong tháng 11/2022, CPI cơ bản của nước này tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ tháng 12/1981, chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng nhập khẩu tăng. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp, chỉ số này tăng.

Tuy nhiên, CPI không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm tươi sống chỉ tăng tháng thứ 8 liên tiếp là 2,8%. Điều này cho thấy giá năng lượng và thực phẩm tươi sống đang tác động khá lớn tới đà tăng lạm phát ở Nhật Bản.

Cụ thể, trong kỳ báo cáo, giá thực phẩm, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi, tăng 6,8%, cao nhất kể từ tháng 2/1981. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều công ty chuyển gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán lẻ.

Bên cạnh đó, giá năng lượng cũng tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá khí đốt và giá điện ở khu vực đô thị đã tăng khá mạnh, tương ứng là 28,9% và 20,1%, và giá dầu hỏa tăng 5,5%, trong khi giá xăng lại giảm 1% nhờ chương trình trợ giá xăng dầu.

Như vậy, lạm phát ở Nhật Bản đã tháng thứ 8 liên tiếp tăng cao hơn so với con số mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Trước đó, BoJ vẫn cho rằng lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy và nó sẽ không kéo dài nên mục tiêu này sẽ không đạt được một cách ổn định và bền vững.

Các cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Fed đã làm giảm giá trị của đồng Yen so với đồng USD trong năm nay, từ khoảng 115 Yen/USD vào tháng 3 xuống mức thấp nhất 151 Yen/USD.

Đồng Yen đã phục hồi phần nào nhờ sự can thiệp của Chính phủ Nhật Bản. Tuần này, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã đưa ra một điều chỉnh gây sốc đối với chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của mình, khiến đồng giá trị đồng Yen mạnh lên nhanh chóng.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....