23 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Đầu tư Đầu tư vàng Tin mới nhất Vàng

Lãi suất tăng: Nên giữ hay thoát vốn khỏi vàng lúc này?

So với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, vàng miếng SJC trong tháng 10 dao động quanh ngưỡng 66-67 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia thế giới dự báo vàng sẽ tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Liệu những nhà đầu tư vàng Việt Nam sẽ tiếp tục giữ hay thoát vốn khỏi vàng để chuyển vào ngân hàng với mức lãi suất trên 8% như hiện nay?

Dự báo bi quan và thói quen “giữ” vào vàng

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá vàng bình quân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 6,22%. Cụ thể hơn, tính đến hết quý III/2022, giá vàng thế giới đã giảm 166 USD/ounce. Ngược chiều thế giới, vàng miếng SJC trong nước không hề giảm, mà lại tăng, từ mức 61,6 triệu đồng/lượng (ngày 1/1/2022) lên 66,4 triệu đồng/lượng (ngày 1/10/2022). Tính ra sau 3 quý đầu năm, nhà đầu tư lãi 4,8 triệu đồng trên mỗi lượng vàng miếng.

Với những diễn biến ghi nhận chung trên toàn cầu, theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong báo cáo xu hướng đã dự báo, thị trường vàng sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức giai đoạn cuối năm 2022.

Theo WGC, nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn có lẽ sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng, nhưng việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa và sự lớn mạnh liên tục được gia tăng của đồng đô la có thể gây ra nhiều khó khăn. Do nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế và giá cả sinh hoạt tăng cao cũng sẽ khiến nhu cầu vàng giảm xuống.

Các số liệu từ WGC cũng chỉ ra, người dân châu Á vẫn thích giữ vàng. Năm 2021, lượng vàng để đầu tư dưới dạng vàng thỏi và xu tại thị trường Trung Quốc và Ấn Độ tăng hơn 43% so với năm 2020.

Theo đánh giá của WGC, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 50% tổng nhu cầu vàng trên thế giới (năm 1990, Trung Quốc và Ấn Độ chỉ chiếm 25% nhu cầu vàng toàn cầu). Cứ thu nhập tăng 1% ở Ấn Độ thì nhu cầu vàng dự kiến sẽ tăng 0,9%. Tương tự ở Trung Quốc, mức tăng trưởng kinh tế 8,1% năm 2021 đã có vai trò quan trọng trong việc tăng 55% mức tiêu thụ vàng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra, tổng cầu về vàng đã tăng 10% năm 2021 so với năm 2020, nổi bật là nhu cầu vàng để dự trữ và chế tạo trang sức. Các ngân hàng trung ương cũng có sự gia tăng lượng vàng nắm giữ với mức tăng lên đến 82% vào năm 2021 so với năm 2020.

Tại Việt Nam, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021 lên 14 tấn trong quý II/2022, tương ứng tăng 11%. Nguyên nhân đến từ tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn lên 9,6 tấn; nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn lên 4,5 tấn.

Theo WGC, thị trường bán lẻ vàng được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi khi kinh tế tăng trưởng, người tiêu dùng quan tâm đến vàng nhiều hơn. Lạm phát là điều người tiêu dùng luôn lo ngại và vàng đã được công nhận là tài sản giúp bảo vệ khỏi những lo ngại đó. Nghiên cứu của WGC thực hiện tại Việt Nam cho thấy, 79% người Việt Nam tin rằng, vàng là biện pháp phòng hộ tốt nhất trước lạm phát và biến động tiền tệ. 81% người dùng đang cân nhắc mua vàng là minh chứng cho sức mua mạnh mẽ của Việt Nam.

WGC đánh giá, hành vi dự trữ vàng của người Việt Nam khác so với các nước trong khu vực, xu hướng hành vi dự trữ vàng trong dài hạn trong khi như ở Thái Lan người dân tích trữ trong ngắn hạn. Nhu cầu vàng miếng và vàng xu của Việt Nam đứng thứ nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ ba khu vực Châu Á (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Còn về nhu cầu vàng trang sức, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

Trong thời kỳ lạm phát và bất ổn toàn cầu, vàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn nhất để tiết kiệm. Hiệu suất lâu dài của nó đã chứng minh niềm tin của nhà đầu tư là đúng. 50 năm qua đã chứng kiến ​​các loại tiền tệ pháp định mất từ ​​80% đến 85% giá trị. Trong cùng thời kỳ, giá trị của vàng đã tăng gấp 5 lần.

Theo chuyên gia phân tích thị trường tại City Index và Forex.com, cổ phiếu và tiền số đã sụt giảm khi bất ổn kinh tế gia tăng, làm tăng sức hút trú ẩn an toàn của vàng. Đồng đô la Mỹ trở nên quá mạnh và có thể đã đạt đỉnh, làm cho vàng rẻ hơn đối với những người mua không dùng đồng đô la.

Còn theo ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia của WGC tại Việt Nam, vàng luôn được coi là một loại tài sản đặc biệt, nên người dân Việt Nam nói riêng, cũng khu khu vực châu Á đều chuộng “giữ” vàng. Một trong những lí do khiến người tiêu dùng Việt Nam mua nhiều vàng đặc biệt là vàng miếng, là do người dân lựa chọn vàng miếng như loại tài sản trú ẩn an toàn, phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá, lạm phát.

Kênh của nhà đầu tư nhỏ lẻ?

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), hiện nay ở thị trường trong nước gần như không còn tình trạng đầu tư mua bán vàng vật chất kiểu “lướt sóng” như hàng chục năm trước, do giá vàng miếng SJC trong nước đã khá cao so với thế giới; Việt Nam cũng không có các sàn kinh doanh giao dịch vàng như chứng khoán…

Tuy nhiên, người dân vẫn chuộng vàng như kênh đầu tư bảo toàn vốn an toàn trong bối cảnh địa chính trị, kinh tế còn nhiều biến động. “Vàng là kênh vừa đầu tư, vừa bảo toàn vốn, vừa cung cấp thanh khoản nhanh chóng cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, những bà nội trợ, dân văn phòng…”, ông Long nói.

Cụ thể hơn, kênh bất động sản đòi hỏi nhà đầu tư phải có vốn lớn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng; kênh chứng khoán hay tiền số đòi hỏi nhà đầu tư vừa có tiền, vừa có kiến thức. Còn với những người làm công ăn lương, người buôn bán không am hiểu về tài chính kinh tế, thì kênh đầu tư vàng gần gũi, dễ tham gia.

Từ đầu tháng 10/2022, trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh vàng của mạng xã hội, các nhà đầu tư “rỉ tai” nhau nên thoát vốn khỏi vàng miếng, bởi lẽ dự báo từ các chuyên gia quốc tế, giá vàng thế giới có thể tiếp tục đà giảm đến cuối năm, thậm chí có thể xuống đến mức 1.500 USD/ounce. Tức nếu quy đổi theo tỷ giá, bỏ qua mức chênh lệch 17-19 triệu đồng/lượng so với thế giới, thì giá vàng miếng trong nước sẽ về dưới 50 triệu đồng/lượng.

Như vậy, cộng 2 yếu tố giảm giá theo thế giới và xóa bỏ chênh lệch, những người đang giữ vàng miếng có nguy cơ rủi ro rất cao. Nhận định chung của nhiều người tham gia đầu tư vàng, là giá vàng miếng trong nước khó có thể quay lại ngưỡng trên 68 triệu đồng/lượng, khả năng quay lại đỉnh 74,4 triệu đồng/lượng (từng thiết lập ngày 8/3/2022) là rất hiếm.

Một số chuyên gia kinh tế lưu ý, nhà đầu tư không nên nhảy vào cuộc chơi giá vàng lúc này, vì biến động mạnh dễ thua lỗ. Trong bối cảnh, hàng loạt Ngân hàng nâng lãi suất, thì việc đầu tư vào vàng lại càng kém hấp dẫn. Khi người dân sẽ có xu hướng đổ vào kênh tiết kiệm, có khả năng sẽ bán tháo vàng, giá sẽ giảm mạnh.

Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia của WGC, đánh giá khi kinh tế và chính trị toàn cầu ổn định, tăng trưởng trở lại, thị trường chứng khoán tốt lên, trái phiếu có lãi… thì nhà đầu tư sẽ không giữ vàng. “Giữ vàng không sinh lãi, nên họ buộc phải bán vàng để phóng thích dòng tiền tham gia vào các hoạt động tài chính khách, lúc này dòng tiền mới mang lại lãi cho họ”, ông Khánh nói.

Theo Vietnamfinance

Tin liên quan

Đang tải....