23 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin tức thị trường 24/7

VIP Tin 24/7: Tuần 3-8/10/2022: Vàng thế giới tăng 2%, SJC vẫn ‘một mình một chợ’, vàng nhẫn ngày càng ‘được lòng dân’

Tóm tắt

  • SJC tránh được xu hướng giảm với diễn biến tăng mạnh trong phiên cuối tuần.
  • Giảm hơn 1% phiên cuối tuần, vàng thế giới vẫn ghi nhận một tuần tăng mạnh.
  • Vàng nhẫn tăng tới 800.000 đồng so với phiên đầu tháng 10.

Nội dung

Giá vàng trong nước

Chốt phiên cuối tuần (8/10), vàng miếng tại thương hiệu SJC niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 65,50 – 66,50 triệu đồng/lượng, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần (3/10). So với ngày đâu tháng, SJC tăng 100.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm trên, nhẫn trơn 9999 tại thương hiệu SJC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 52,25 – 53,25 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với giá mở cửa phiên đầu tuần (3/10). So với phiên đầu tháng, vàng nhẫn tăng tới 800.000 đồng/lượng.

Tăng 600.000, vàng miếng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong tuần, đồng thời tránh được xu hướng giảm trong tuần này.

Theo dõi diễn biến của giá vàng cho thấy, SJC lại có những biến động “bất thường” khi tăng/giảm đột ngột không theo diễn biến của giá vàng thế giới. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 6/10, giá vàng SJC có lúc bất ngờ giảm tới 600.000-700.000 đồng/lượng – giao dịch lùi sâu về 64,70 – 65,70 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) – mức giao dịch thấp nhất trong tuần. Diễn biến này đã khiến chênh lệch giữa SJC và vàng thế giới giảm xuống dưới mốc 16 triệu đồng.

Tuy nhiên, với nhịp tăng mạnh trong phiên cuối tuần, SJC không những tránh được xu hướng giảm mà còn đẩy mức chênh lệch với giá vàng thế giới tăng vọt lên 17,4 triệu đồng, nhưng vẫn giảm mạnh 900.000 đồng so với mức 18,3 triệu đồng cuối tuần trước. Biên độ chênh lệch giữa hai chiều mua – bán của vàng SJC hiện ở mức 1 triệu đồng, không thay đổi so với cuối tuần trước.

Biểu đồ giá vàng SJC. Nguồn: Vip.giavang,net

Trong khi SJC có diễn biến “lệch pha” thì vàng nhẫn vẫn đi theo những biến động của giá vàng thế giới. Tuy không thật sự “khớp” theo biên độ nhưng vàng nhẫn vẫn điều chỉnh theo chiều tăng/giảm của vàng thế giới.

Khoảng cách chênh lệch giữa vàng nhẫn và giá vàng thế giới hiện ở mức 4,2 triệu đồng, giảm 300.000 đồng so với mức 4,5 triệu đồng cuối tuần trước. Chênh lệch mua vào – bán ra của vàng nhẫn duy trì ngưỡng 1 triệu đồng.

Do vàng miếng kết thúc tuần với diễn biến đi ngang trong khi vàng nhẫn tăng mạnh, nên chênh lệch giữa hai mặt hàng kim loại quý này cũng được thu hẹp đáng kể – về 13,3 triệu đồng, từ mức 13,8 triệu đồng cuối tuần trước.

Ngoài vấn đề tăng theo giá vàng thế giới, vàng nhẫn tăng giá còn do nhu cầu trên thị trường đối với loại vàng này tăng cao. Theo một số tiệm vàng, vàng nhẫn đang được nhiều người lựa chọn bởi thời điểm này, nhu cầu mua sắm trang sức cho mùa cưới, làm đẹp cuối năm tăng cao. Thêm vào đó, việc giá vàng miếng SJC cách biệt quá lớn với thế giới cũng thúc đẩy nhà đầu tư chọn mua vàng nhẫn vì lo ngại rủi ro lao dốc đột ngột của vàng miếng.

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới phiên cuối tuần (7/6) giảm hơn 1% – mất mốc 1.700 USD/ounce do kỳ vọng lãi suất còn tăng lên cao hơn trong thời gian lâu hơn sau báo cáo việc làm của Mỹ.

Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm nhiều việc làm hơn dự báo trong tháng 9/2022, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%. Điều này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không sớm từ bỏ quyết tâm chống lạm phát, cho dù cái giá phải trả có thể là một cuộc suy thoái.

Thị trường đang đặt cược khả năng 92% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11.

“Đối với thị trường, báo cáo việc làm tốt hơn kỳ vọng là một động lực để Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào đầu tháng 11”, nhà giao dịch kim loại quý Tai Wong thuộc Heraeus Precious Metals nhận định.

“Nếu không giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.690 USD/ounce, giá vàng sẽ tiếp tục giảm về 1.660 USD/ounce. Thị trường đang hướng sự chú ý tới dữ liệu lạm phát vào tuần tới, cũng như biên bản cuộc họp của Fed”, ông Wong cho biết thêm.

Ngoài ra, đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng cũng góp phần đẩy giá vàng giảm.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,4% sau khi báo cáo việc làm được công bố, lên mức 112,8 điểm. Cả tuần, chỉ số tăng gần 0,6%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 6 điểm cơ bản, lên mức 4,316%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng gần 6 điểm cơ bản, lên 3,88%.

Tuy giảm trong phiên cuối tuần nhưng tính cả tuần, giá vàng thế giới vẫn ghi nhận xu hướng tăng mạnh.

Cụ thể, chốt phiên cuối tuần (7/10) giá vàng thế giới đứng ở ngưỡng 1.695,4 USD/ounce, tăng khoảng 2% so với giá chốt cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (24.020 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 49,10 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại mốc 47,26 triệu đồng/lượng.

Sang tuần tới, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ dồn vào dữ liệu lạm phát tháng 9 của Mỹ để xác nhận hướng đi tiếp theo của giá vàng.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....