Phiên giao dịch sáng 10/12/2021: Các thương hiệu vàng trong nước đang có xu hướng thu hẹp chênh lệch giữa chiều mua và bán khi điều chỉnh tăng giá mạnh hơn ở chiều mua. Hiện tại, SJC cao hơn giá vàng thế giới 11,7 triệu đồng/lượng, từ mức 11,5 triệu đồng/lượng phiên sáng qua.
Cập nhật lúc 11h30, giá vàng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 60,65 – 61,37 triệu đồng/lượng, giá mua và bán cùng tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên thứ Năm.
BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 60,76 – 61,23 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua, đi ngang chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Vàng SJC trên hệ thống Phú Quý, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 60,75 – 61,25 triệu đồng/lượng, mua vào tăng 50.000 đồng/lượng, bán ra không đổi so với giá chốt chiều qua.
Vàng DOJI trên thị trường Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 60,60 – 61,25 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng giá mua và 50.000 đồng/lượng giá bán so với cuối ngày hôm qua.
Thị trường trong nước
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các cơ sở kinh doanh vàng Bảo Tín Minh Châu sáng nay lượng khách mua vào và bán ra có tỷ lệ (60% khách mua vào và 40% khách bán ra).
Thị trường thế giới
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại mốc 1.778,4 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.150 VND/USD), vàng thế giới giao dịch tại 49,64 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chênh lệch giữa hai thị trường đứng ở ngưỡng 11,7 triệu đồng/lượng.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng giao ngay chốt ở 1.776,6 USD/ounce, giảm 7,8 USD/ouce so với đóng cửa phiên trước.
Vàng giằng co do một mặt chịu áp lực từ đồng USD tăng giá, mặt khác bị ảnh hưởng bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 11 – dữ liệu có thể ảnh hưởng không nhỏ đến lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Hiện tại, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng lên mức 96,2 điểm, từ mức 96 điểm vào sáng qua.
Giá vàng đã giằng co trong vùng hẹp 1.760-1.790 USD/ounce kể từ khi rớt khỏi mốc 1.800 USD/ounce vào cuối tháng 11, do nhà đầu tư chờ một lập trường chính sách rõ ràng hơn từ Fed.
Các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo CPI Mỹ tháng 11 tăng 0,7% so với tháng 10, đồng nghĩa mức tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu vậy, đây sẽ là mức lạm phát “khủng” nhất ở Mỹ kể từ năm 1982.
Cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed sẽ diễn ra vào ngày 14-15/12. Nếu lạm phát tiếp tục tăng nóng, Fed có thể tuyên bố đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản và tính đến khả năng tăng lãi suất sớm hơn trong năm 2022 – một kịch bản bất lợi đối với giá vàng.
Tuy nhiên, lạm phát cao cũng là một lý do để nhà đầu tư tăng nắm giữ vàng, bởi vàng là kênh đầu tư hiệu quả để chống lại sự mất giá của tiền giấy.
“Báo cáo thất nghiệp tốt hơn kỳ vọng và đồng USD mạnh lên đang gây áp lực giảm giá vàng, nhưng các nhà giao dịch cũng đang đợi dữ liệu CPI”, chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures phát biểu. “Nếu lạm phát tiếp tục cao, giá vàng có thể phục hồi nhanh và tiến về mốc 1.800 USD/ounce”.
Giavang.net