24 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Kinh tế Việt Nam Tin mới nhất

Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn: Sẽ không có siêu lạm phát trong năm 2022

Với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, TS Hồ Quốc Tuấn cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ không quá bi quan. Riêng về vấn đề lạm phát, ông nhận định lạm phát mặc dù là một nỗi lo nhưng lạm phát đã đạt đỉnh từ năm 2021 và sẽ không có siêu lạm phát.

Thời gian gần đây, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã làm chao đảo thị trường tài chính, khiến nhiều quốc gia siết chặt kiểm soát nhập cảnh nhằm ngăn chặn virus xâm nhập.

Với tốc độ lây lan nhanh cùng số đột biến trong protein gai cao hơn cả biến chủng Delta, Omicron khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi liệu nó có nguy hiểm đến mức khiến cả thể giới phải thay đổi phương pháp chống dịch hay không? Triển vọng kinh tế toàn cầu ra sao khi chuẩn bị bước vào năm COVID-19 thứ ba?

Lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh vào năm 2021, sẽ không có siêu lạm phát

Trao đổi với VTV, TS Hồ Quốc Tuấn, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Bristol (Anh), cho biết bản thân không quá bi quan về triển vọng kinh tế.

Theo ông, chúng ta đối mặt với năm 2022 với rất nhiều lo ngại về lạm phát, tăng trưởng kinh tế có thể không đạt kỳ vọng nếu chủng mới có một số biến đổi phức tạp. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, chúng ta đã có nhiều hiểu biết về chủng virus này hơn và cũng có cách để đối phó với nó như vắc xin.

Ông cho rằng, lạm phát mặc dù là một nỗi lo nhưng lạm phát đã đạt đỉnh từ năm 2021. Từ năm 2022, lạm phát sẽ duy trì ở mức không thấp nhưng không quá cao.

“Tức là chúng ta không thể nói là không có lạm phát bởi trong bối cảnh đứt gãy sản xuất vẫn còn thì lạm phát xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn cung cho nên chúng ta vẫn phải xác định lạm phát vẫn còn nhưng không có siêu lạm phát”, ông cho hay.

Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn nhắc lại, lạm phát vẫn nằm trong mức độ khống chế, nó không quá cao như trong năm 2021 tại một số nước.

Về vấn đề lạm phát tại Việt Nam nói riêng, Giảng viên Đại học Bristol nhận định Việt Nam có một vấn đề là phải nối lại nhanh hoạt động sản xuất – kinh doanh để không rơi vào tình trạng đứt gãy chuối sản xuất quá nhiều. Có như vậy, Việt Nam mới có thể kiểm soát lạm phát.

“Khi nguồn cung hàng ổn định, giá cả được kiểm soát thì chúng ta mới có thể khẳng định chúng ta kiểm soát được lạm phát. Vì vậy, việc chúng ta mở cửa lại hoạt động kinh tế sẽ giúp ta khống chế được lạm phát ở một mức độ nhất định”, ông nói.

Biến chủng Omicron không thực sự là nguyên nhân chính gây ra sự biến động của thị trường tài chính

Giải đáp về vấn đề tại sao thị trường tài chính lại phản ứng mạnh mẽ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, theo TS Hồ Quốc Tuấn, ngay từ trước khi thị trường tài chính nhận được thông tin về biến chủng Omicron thì đã có những lo ngại về giá cổ phiếu đã quá cao và do đó nhiều người cũng đã dự đoán sẽ có một đợt điều chỉnh. Ngoài ra, số người sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức giá cao.

Thứ hai, liên quan đến việc dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành thu lại các đợt hỗ trợ về tài chính, có thể hiểu đây là việc “khóa van bơm tiền” nhanh hơn dự đoán. Do đó, theo ông Tuấn, chúng ta không thể nói rằng thị trường tài chính hoàn toàn sợ biến thể Omicron.

Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn khẳng định, thời gian qua, diễn biến của thị trường tài chính là tổng hợp của rất nhiều yếu tố. Cho đến nay, chúng ta chưa có thấy yếu tố rõ ràng về việc tình hình dịch bệnh trở nên cực kỳ nghiêm trọng hơn với Omicron, như thông tin WHO cho biết tới nay vẫn chưa có ca tử vong nào liên quan tới Omicron.

Bên cạnh đó, số ca do biến chủng Omicron tăng nhưng tại một số quốc gia như Anh thì số ca nhập viện và tử vong không tăng. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh không thể nói là đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng.

“Chúng ta chỉ nên giữ động thái thận trọng nhưng cũng không nên quá hoảng loạn”, ông Tuấn cho hay.

Người dân TP New York đang xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Reuters

Xét về khía cạnh có hay không việc trở lại tình trạng giới hạn kinh tế hay đóng cửa, theo ông, có thể thấy tại châu Âu hiện nay đã có một số hoạt động giới hạn như đường bay tới một số nước chẳng hạn như Nam Phi. Một số quốc gia khác cũng đưa ra các danh sách đỏ khuyến cáo không đến, hoặc người đến từ quốc gia đó thì phải chấp nhận cách ly tại nhà.

Đồng thời, các nước như Áo cũng áp dụng lại việc cần phải tiến hành phong tỏa cả nước trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế tại đây vẫn diễn ra một cách bình thường.

Do đó, nhìn chung nhiều hoạt động vẫn diễn ra bình thường, chỉ áp dụng thêm một số biện pháp như người có bệnh thì cần cách ly ở nhà, một số hoạt động kinh tế cần phải giãn cách xã hội hay những yêu cầu về đeo khẩu trang,…

Theo ông, điều này cho thấy xu hướng sống chung với virus vẫn diễn ra tại nhiều nước, khái niệm phong tỏa cũng không căng thẳng như trước đây và đây cũng là điều Việt Nam nên tham khảo.

Đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ chỉ là vấn đề tạm thời

Về tác động của biến chủng đối với tình hình kinh tế nói chung, TS Hồ Quốc Tuấn cho rằng chắc chắn sẽ có tác động vì so với dự báo khoảng 1-2 tháng trước thì dự báo năm nay tương đối lạc quan về một mùa đông không quá căng thẳng.

Tuy nhiên với biến chủng Omicron lại khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, đặc biệt tại châu Âu vào thời điểm mùa Đông – thời điểm vốn đã căng thẳng bởi các loại bệnh khác thì việc xuất hiện biến thể mới có thể làm tăng số người phải nhập viện.

Vì vậy, ông cũng cho rằng việc xuất hiện biến chủng mới đang gây ra những lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bị sụt giảm. Đồng thời, một điều đáng lo hơn đó là việc gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng trở lại, tuy nhiên, ông cho rằng đây sẽ là vấn đề có tính tạm thời.

Biến chủng mới khiến nhiều người lo ngại về vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể quay trở lại. Ảnh: Reuters

Bởi bất kể việc biến thể Omicron có mang tính kháng vắc xin, có nguy hiểm hay không thì cách tiếp cận của các nước như châu Âu và Mỹ sẽ xác định sống chung với dịch và tiếp tục tiến lên.

“Có thể trong mùa đông, khi tỷ lệ nhập viện cao hơn do các loại bệnh thì họ có thể thắt chặt lại các hoạt động kinh tế nhưng sau đó hoạt động sản xuất sẽ được khôi phục lại như bình thường”, ông Hồ Quốc Tuấn nhận định.

Theo ông, điều này có tương đối khác biệt với các tiếp cận của một số nước châu Á như Trung Quốc. Ở đây, chúng ta cần xác định lại quan điểm chống dịch, chúng ta có thực sự hướng tới việc giãn cách xã hội quá chặt hay không, khi biện pháp này đã tạo ra ảnh hưởng kinh tế rất lớn trong năm ngoái.

Về Việt Nam, ông nhận định, cho đến lúc này, tỷ lệ tiêm vắc xin đang tương đối khá tốt tại một số khu vực. Vì vậy, chúng ta có thể học hỏi các tiếp cận của châu Âu là tiếp cận một cách thận trọng nhưng vẫn tiếp tục các hoạt động kinh tế và tiếp tục quan sát.

Điều quan trọng để làm được việc này chính là phải có độ phủ vắc xin nhất định. Tới bây giờ, một số khu vực đã phủ vắc xin tốt và chúng ta cần tiếp tục phủ vắc xin nhanh hơn tại các khu vực khác.

“Các chủng mới có làm cho hiệu quả vắc xin kém đi thì cũng chỉ kém đi theo tỷ lệ phần trăm chứ không làm cho vắc xin hoàn toàn vô hiệu, vì vậy vắc xin cho đến bây giờ vẫn là một công cụ hữu ích để giúp đối mặt với vấn đề này”, ông cho biết.

Theo Vietnambiz

Tin liên quan

Đang tải....