Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước, nhưng bình quân 11 tháng, CPI chỉ tăng 1,84%, thấp nhất trong 5 năm qua.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 2% so với tháng 12/2020 và tăng 2,1% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước.
Việc giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; và các địa phương cũng đã dần trở lại với trạng thái bình thường mới khiến giá hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng, theo Tổng cục Thống kê, chính là các nguyên nhân chính làm CPI tháng 11/2021 tăng như vậy.
Tháng 11/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm giảm giá. Trong 9 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 3,11% (làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 11/2021 tăng 0,46% (làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm), trong đó giá điện sinh hoạt tăng 1,04% so với tháng trước do một số địa phương đã kết thúc thời gian được Chính phủ hỗ trợ giá trên hóa đơn tiền điện; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,94% do nhu cầu xây dựng tăng trở lại sau thời gian tạm dừng và giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng trở lại trong bối cảnh bình thường mới cùng với chi phí vận chuyển tăng làm cho nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 11/2021 tăng 0,33% so với tháng trước…
Trong 2 nhóm hàng giảm giá, nhóm giáo dục tháng 11 giảm 0,92% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm), trong đó dịch vụ giáo dục giảm 1,06% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm) do nguồn cung dồi dào khiến giá thịt gia súc, gia cầm, thịt chế biến và thủy sản tươi sống lần lượt giảm 4,04%; 0,34%; 1,55% và 0,16%.
Mặc dù CPI 11 tháng tăng thấp nhất 5 năm, song từ cơ quan điều hành cho tới giới phân tích đều cho rằng, lạm phát vẫn là một trong những nguy cơ của năm tới.
Trả lời chất vấn mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng bà cảnh báo, năm 2022, “rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn”.
Khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 6,2% so với năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1990. Lạm phát của Hàn Quốc cũng lần đầu tiên vượt mức 3%, cao nhất kể từ năm 2012. Tại châu Âu, giá năng lượng tăng cao đẩy lạm phát tháng 9 của khu vực đồng euro lên cao nhất trong 13 năm.
“Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn”, Thống đốc nhận xét.
Giavang.net