21 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Đầu tư Đầu tư hàng hoá Tin mới nhất

Cà phê đồng loạt đảo chiều tăng giá

Giá cà phê hôm nay (18/11) đồng loạt tăng cả trong nước và thị trường thế giới. Cà phê Arabica được hỗ trợ bởi niềm tin số việc làm ở Mỹ tăng cao, sau khi Tổng thống quốc gia này ký đạo luật trị giá 1.200 tỷ USD.

Giá cà phê trong nước

Tại các vùng trồng trọng điểm, giao dịch cà phê trong khoảng 40.300 – 41.200 đồng/kg.

Ở trong nước, vụ thu hoạch ở các tỉnh trọng điểm vẫn chưa thuận lợi. Ngoài những khó khăn do Covid-19 gây ra, hiện thời tiết tại các tỉnh Tây Nguyên cũng đang khá lạnh, làm ảnh hưởng đến độ chín và tiến độ hái cà phê năm nay.

Trong khi các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên vẫn đang thu hoạch, thì ở phía Bắc, một địa phương có thế mạnh về cây cà phê là Sơn La đã thu hoạch được 3 tháng nay. Sau 3 tháng kể từ khi bước vào vụ thu hoạch năm nay, nông dân Sơn La đã thu hái cà phê quả tươi đạt khoảng 120.000 tấn, số chưa thu hoạch hiện còn khoảng 60.000 tấn sẽ tiếp tục được thu hái từ nay đến tháng 1 năm sau.

Giá cà phê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 tăng 19 USD/tấn ở mức 2.256 USD/tấn, giao tháng 3/2022 tăng 20 USD/tấn ở mức 2.209 USD/tấn.

Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 10,55 cent/lb ở mức 232,6 cent/lb, giao tháng 3/2022 tăng 10,25 cent/lb ở mức 234,75 cent/lb.

Biến động giá cà phê các phiên gần đây. Nguồn: Tradingview

Sau phiên điều chỉnh giảm, giá cà phê thế giới đã quay đầu tăng mạnh mẽ. Cà phê Arabica được hỗ trợ bởi niềm tin số việc làm ở Mỹ tăng cao, sau khi Tổng thống quốc gia này ký đạo luật trị giá 1.200 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát cao, chỉ số bán lẻ Mỹ tăng mạnh khiến người tiêu dùng cho nhiều tiền hơn để mua hàng hóa. Giá vận tải biển vẫn ở mức cao và theo dự đoán phải mất ít nhất 2 năm nữa mới có thể quay về trạng thái bình thường như trước đại dịch Covid-19.

Thông tin về thị trường cà phê Trung Quốc, theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu cà phê của nước này tháng 9/2021 đạt 54 triệu USD, tăng 62,4% so với tháng 9/2020. 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 46,28 triệu USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lại giảm từ 12,34% xuống 12%.

Dù trà vẫn là thức uống truyền thống của người tiêu dùng Trung Quốc, nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê của thị trường khổng lồ này đang tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các khu vực thành thị và lớp người trẻ. Phân khúc cà phê hòa tan chiếm một lượng thị phần đáng kể trên thị trường nhờ vào sự tiện lợi trong sử dụng. Chi tiêu hộ gia đình tăng, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa phương Tây của người tiêu dùng trung lưu đã góp phần làm tăng nhu cầu về cà phê hòa tan trên cả nước.

Dịch Covid-19 không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê, bởi người dân chuyển sang tiêu thụ tại nhà nhiều hơn. Trong 6 tháng đầu niên vụ 2020-2021 (từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021), tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 3,7 triệu bao cà phê loại 60 kg. Trong khi đó, sản lượng cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 1,8 triệu bao. Do đó, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....