Với 228 phiếu thuận và 206 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 5/11 đã thông qua gói đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD, sau khi Thượng viện thông qua hồi tháng 8.
Đây được xem là chiến thắng đáng kể đối với đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden, khi các thành viên của đảng này đã tranh cãi trong suốt nhiều tháng qua về các dự luật chi tiêu đầy tham vọng vốn chiếm phần lớn trong chương trình nghị sự trong nước.
Dự luật đã được Thượng viện thông qua hồi tháng 8, nhưng bị đình trệ tại Hạ viện, khi đảng Dân chủ cố đàm phán thỏa thuận gói kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, một phần quan trọng khác trong chương trình nghị sự của Biden.
Dự luật sẽ cấp ngân sách 550 tỷ USD cho các khoản đầu tư liên bang vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Mỹ trong 5 năm, bao gồm khoản tiền để làm đường, xây cầu, vận tải công cộng, đường sắt, sân bay, bến cảng và đường thủy.
Gói này bao gồm khoản đầu tư 65 tỷ USD vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng Internet băng thông rộng của quốc gia và đầu tư hàng chục tỷ USD vào việc cải thiện hệ thống lưới điện và nước sạch. Khoảng 7,5 tỷ USD khác sẽ dành cho việc xây dựng mạng lưới sạc xe điện trên toàn quốc.
Các nghị sĩ Mỹ đã gọi đây là “kế hoạch chi tiêu xã hội mang lại hiệu quả nhất” kể từ những năm 30 của thế kỷ trước đến nay.
Các kế hoạch chi tiêu này được đảng Dân chủ coi là có ý nghĩa quan trọng để được giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới.
Các nhóm doanh nghiệp Mỹ cũng hoan nghênh dự luật này, bởi cho rằng kế hoạch cơ sở hạ tầng sẽ mang đến những khoản đầu tư dài hạn và tạo ra việc làm. Chủ tịch kiêm CEO Phòng Thương mại Mỹ Suzanne Clark hồi tháng 8 gọi đây là “khoản đầu tư lịch sử vào cơ sở hạ tầng đang sụp đổ của đất nước”.
Tiếp theo, dự luật sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Giavang.net