Giá vàng giảm nhẹ vào ngày thứ Tư (20/10) khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ làm giảm sức hấp dẫn của vàng và kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp hỗ trợ tâm lý chấp nhận rủi ro.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay hạ 0.1% xuống 1,767.71 USD/oz. Vàng đã tăng tới 1.2% vào ngày thứ Ba (19/10) trước khi xóa bớt phần lớn đà tăng khi lợi suất trái phiếu nhảy vọt. Hợp đồng vàng tương lai mất 0.1% còn 1,768.40 USD/oz.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 20/5/2021, qua đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.
Góp phần làm giảm sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của vàng là kỳ vọng về kết quả lợi nhuận hàng quý mạnh mẽ, điều này đã thúc đẩy chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày 19/10.
Theo đa số các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chờ đến năm 2023 trước khi nâng lãi suất, mặc dù lạm phát kéo dài có thể là rủi ro lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ vào năm tới.
Những kỳ vọng của thị trường về lãi suất tương lai không phù hợp với dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là không nâng lãi suất cho đến khi lạm phát ổn định ở mức 2%.
Nếu lạm phát tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại trong những tháng tới thay vì giảm xuống như kỳ vọng, các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể cần phải áp dụng “phản ứng chính sách thích ứng hơn” vào năm tới, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết.
Thống đốc Fed Michelle Bowman cũng cho biết lạm phát có thể kéo dài hơn dự báo chỉ cách đây vài tháng.
Vàng thường được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, mặc dù việc giảm bớt các biện pháp kích thích và nâng lãi suất đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng.
An Trần (Theo CNBC)
FILI