27 C
Hanoi
25/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Hàng hoá Tin mới nhất

Cơn ‘khát’ than của Trung Quốc

Lãnh đạo tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, kêu gọi tăng nhập khẩu than để ứng phó tình trạng thiếu cung hiện tại. Ngành điện Trung Quốc bị tác động đáng kể, lo ngại gia tăng khi thiếu điện ảnh hưởng đến đèn tín hiệu giao thông, mạng 3G.

Trong bối cảnh tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đang hoành hành tại đông bắc Trung Quốc – cái nôi của ngành công nghiệp tại quốc gia đông dân nhất thế giới – các lãnh đạo cấp cao tại khu vực này đang phải đối mặt với vô vàn áp lực từ phía người dân và doanh nghiệp.

Chính quyền Trung Quốc buộc phải tìm mọi cách để có thể nhập khẩu thêm than càng nhanh càng tốt, nhằm duy trì nguồn cung năng lượng phục vụ cuộc sống của người dân, quá trình sản xuất tại các nhà máy và thậm chí là để vận hành hệ thống đường ống cung cấp nước tại khu vực này. 

Trong nhiều bài viết trên báo và mạng xã hội Trung Quốc, tin tức cập nhật về tình trạng thiếu điện trở nên phổ biến với hệ thống đèn giao thông, thang máy trong các tòa nhà, trạm thu phát sóng điện thoại 3G và nhiều nhà máy phải dừng hoạt động. Một vài cửa hàng tại khu vực này thậm chí phải thắp nến để kinh doanh vào buổi tối, các trung tâm thương mại cũng phải đóng cửa sớm hơn.

Một đơn vị công ích tại tỉnh Cát Lâm thậm chí đã đưa ra cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp nước sinh hoạt, và sau đó đã phải đưa ra lời xin lỗi khi gây nên tâm lý lo lắng cho người dân. 

Các thành phố như Thẩm Dương và Đại Liên, với dân số lên tới hơn 13 triệu người, cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng gián đoạn sản xuất được ghi nhận tại một loạt nhà máy là đơn vị gia công và cung cấp phụ kiện cho các thương hiệu toàn cầu như Apple và Tesla. Cát Lâm là một trong hơn 10 tỉnh thành buộc phải hạn chế sử dụng điện khi các nhà máy sản xuất năng lượng đang phải đối mặt với tình trạng giá than tăng trong khi không được phép tăng giá điện ở mức tương ứng. 

Cột truyền tải điện gần Bắc Kinh ngày 28/9. Ảnh: Reuters

Tình trạng thiếu điện do hạn chế trong nguồn cung than đá, các biện pháp thắt chặt phát thải khí nhà kính và nhu cầu từ các hoạt động sản xuất công nghiệp đã đẩy giá than lên cao.

Có than ‘bằng mọi giá’

Lãnh đạo tỉnh Cát Lâm, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phải kêu gọi các công ty năng lượng tăng cường nhập khẩu than đá. Trong khi đó, một hiệp hội các doanh nghiệp điện Trung Quốc cho biết nguồn cung than đang được nỗ lực bổ sung “bằng mọi giá”. 

Trong buổi nói chuyện với các công ty năng lượng địa phương, ông Han Jun, tỉnh trưởng Cát Lâm, cho hay sẽ cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp cứng rắn để đảm bảo nguồn cung than đá và kiến nghị Trung Quốc nên tăng cường nhập khẩu than từ Nga, Mông Cổ và Indonesia. Ông Han cho biết tỉnh này sẽ ngay lập tức cử các đoàn công tác đặc biệt để có thể sớm huy động được nguồn cung than đá từ các khu vực lân cận thuộc Nội Mông, theo tài khoản WeChat chính thức của tỉnh. 

Hội đồng Điện lực quốc gia Trung Quốc, đại diện cho các nhà cung cấp điện của quốc gia này, cho biết trong một báo cáo hôm 27/9 rằng các công ty nhiệt điện hiện đang “mở rộng các kênh mua sắm bằng mọi giá” nhằm đảm bảo nguồn cung điện và nhu cầu sưởi ấm của người dân trong mùa đông sắp tới. Các hợp đồng trung và dài hạn cần được ký kết nhiều hơn và nhanh hơn để gia tăng nguồn than đá dự trữ trước khi mùa đông tới. 

Tuy nhiên, theo các các công ty chuyên nhập khẩu than đá, việc tìm kiếm các nguồn cung mới là điều không hề dễ dàng. 

“Nga ưu tiên nhu cầu của các quốc gia châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc”, một doanh nghiệp cho biết. “Công tác xuất khẩu than tại Indonesia đang bị đình trệ do thời tiết mưa nhiều trong một vài tháng qua, và việc xuất khẩu than tại Mông Cổ lại chủ yếu được thực hiện bằng xe tải, do đó, đạt sản lượng không lớn”. 

David Fishman, giám đốc công ty tư vấn Lantau Group, đồng thời là một nhà nghiên cứu chính sách năng lượng Trung Quốc, cho biết các bất cập trong hệ thống định giá tại Trung Quốc chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện hiện tại. 

“Trong ngắn hạn, sẽ chỉ có các biện pháp tình thế như khai thác thêm than tại các mỏ nội địa hoặc buộc người dùng cuối phải chi trả chi phí năng lượng cao hơn”, Fishman chia sẻ.

Các nhà hoạch định chính sách trước đó đã cảnh báo rằng Trung Quốc nên cho xây dựng thêm các nhà máy khai thác than nhằm thoát khỏi trình trạng thiếu hụt năng lượng trong giai đoạn 2021-2025, nhưng tỷ lệ hiệu dụng tại các nhà máy hiện đang đang ở mức thấp.

Lauri Myllyvirta, chuyên gia phân tích trưởng tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch, có trụ sở tại Helsinki, cho biết khu vực đông bắc Trung Quốc hiện có công suất sản xuất điện than khoảng 100 GW, hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân nếu như họ nhận được các hỗ trợ cần thiết để có thể mua thêm nhiều than hơn.  

“Không một công ty lưới điện khu vực nào tại Trung Quốc ghi nhận mức công suất tiêu thụ điện tối đa tiệm cận hoặc vượt quá tổng công suất sản xuất điện hiện có”, ông cho biết. 

Goldman Sachs ước tính khoảng 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện. Điều đó có thể kéo giảm 1% tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III, và 2% trong quý IV. Công ty này cho biết trong một báo cáo phát đi hôm 28/9 rằng họ đang cân nhắc hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 từ 8,2% xuống còn 7,8%. 

Theo NDH

Tin liên quan

Đang tải....