Ngày 8/9, trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo chính phủ nước này sẽ hết tiền vào tháng 10/2021, trừ khi Quốc hội có hành động cụ thể để nâng trần nợ công.
Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Bộ trưởng Janet Yellen cảnh báo rằng nếu mức trần nợ công không được nâng lên, chính phủ Mỹ sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình lần đầu tiên trong lịch sử.
Bức thư của bà Yellen cho hay dựa trên những thông tin gần đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ, kết quả có thể xảy ra nhất là các khoản tài trợ bằng tiền mặt và các biện pháp bất thường sẽ cạn kiệt trong tháng 10.
Nợ chính phủ Mỹ tăng vọt trong thời gian đại dịch khi Washington thông qua 3 dự luật chi tiêu lớn để giảm bớt tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Trong lá thư của mình, bà Yellen viết: “Dựa trên thông tin chính xác nhất và gần đây nhất của chúng tôi, kết quả có thể xảy ra nhất là tiền mặt và các “biện pháp bất thường” đang được sử dụng sẽ cạn kiệt trong tháng 10″. Bộ không thể cung cấp ngày chính xác khi nào sẽ đạt đến giới hạn trên.
Trước đó, quốc hội Mỹ đã đình chỉ giới hạn nợ vào năm 2019, song lệnh này chỉ kéo dài hai năm và hết hiệu lực vào ngày 31/7.
Tại một cuộc họp báo, bà Pelosi nói: “Nó phải được thông qua”. Dưới thời cựu Tổng thống Trump, bà Pelosi lưu ý các đảng viên Dân chủ ủng hộ việc nâng giới hạn nợ, vì đây là “việc có trách nhiệm phải làm” và hy vọng đảng Cộng hòa sẽ đồng hành với nỗ lực này.
Trong quá khứ, đảng Cộng hòa đã sử dụng cuộc tranh luận về giới hạn nợ để đạt được những nhượng bộ từ đảng Dân chủ. Lần này, đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ phản đối nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm giải quyết giới hạn nợ bằng cách đính kèm một điều khoản vào dự luật ngân sách khẩn cấp mà Quốc hội phải thông qua, trước khi bắt đầu năm tài chính mới của chính phủ vào ngày 1/10.
Một số nghị viên Cộng hòa cho biết họ muốn phe Dân chủ đính kèm một điều khoản vào kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.000 tỉ USD, một động thái mà đảng Dân chủ đã bác bỏ.
Việc nâng giới hạn nợ không làm tăng chi tiêu mà chỉ đơn giản là cho phép Bộ Tài chính tài trợ cho các dự án được quốc hội thông qua. Nếu không có động thái nâng trần nợ công, Mỹ có thể đối mặt với một vụ vỡ nợ chưa từng có đối với các khoản thanh toán.
Tuy nhiên, việc nâng trần nợ trở thành một vấn đề gây tranh cãi tại quốc hội Mỹ trong vài năm qua. Gần đây nhất, tình trạng bế tắc năm 2011 khiến cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P hạ bậc tín nhiệm của Mỹ khỏi mức xếp hạng vàng AAA.
Giavang.net