Lạm phát tại Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008 vào tháng 4.
Cụ thể, Chỉ số Giá tiêu dùng tăng vọt 4,2% so với một năm trước, so với ước tính của Dow Jones là tăng 3,6%. Mức tăng hàng tháng là 0,8%, so với mức dự kiến là 0,2%. CPI cốt lõi tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020 và 0,9% theo tháng, với các mức ước tính tương ứng là 2,3% và 0,3%.
Phố Wall lao dốc, nhà đầu tư lo sợ sự điều chỉnh
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Tư, chỉ số Dow Jones giảm 681,5 điểm, tương đương 1,99%, xuống 33.587,66 điểm.
S&P 500 giảm 89,06 điểm, tương đương 2,14%, xuống 4.063,04 điểm.
Nasdaq giảm 357,75 điểm, tương đương 2,67%, xuống 13.031,68 điểm.
10 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ, giảm mạnh nhất là tiêu dùng. Năng lượng là lĩnh vực duy nhất tăng 0,1% nhờ giá dầu thô đi lên.
Cổ phiếu công nghệ, vốn đã chịu áp lực trong tuần này và tháng này, tiếp tục dẫn đầu đà giảm ở phiên ngày thứ Tư khi lợi suất trái phiếu tăng vọt. Cổ phiếu của Microsoft, Netflix, Amazon và Apple đều giảm hơn 2%, trong khi Tesla giảm hơn 4%. Cổ phiếu Alphabet giảm hơn 3%.
Cổ phiếu năng lượng, vốn hoạt động tốt trong môi trường lạm phát, giao dịch tích cực. Cổ phiếu Occidental Petroleum tăng 2,4%. Chevron và Marathon Oil cũng tăng nhẹ.
Chỉ số CBOE VIX, thước đo sự sợ hãi trên Phố Wall, đóng cửa ở 27,64 điểm, cao nhất kể từ ngày 4/3.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 12/5 là 11,82 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với trung bình 10,44 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Dầu thô tăng hơn 1%, cao nhất từ đầu tháng 3
Chốt phiên giao dịch ngày 12/5, dầu thô Brent tăng 77 US cent tương đương 1,1% lên 69,32 USD/thùng.
Cùng chiều, dầu thô Tây Texas WTI tăng 80 US cent tương đương 1,2% lên 66,08 USD/thùng.
Đây là mức cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 11/3/2021 và dầu WTI kể từ ngày 5/3/2021.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ tuần trước giảm còn 1,8 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Tồn kho dầu thô tại Mỹ cùng kỳ giảm 0,4 triệu thùng, thấp hơn so với kỳ vọng giảm 2,8 triệu thùng từ giới phân tích, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
“Xuất khẩu giảm là yếu tố thúc đẩy giao dịch”, Tony Headrick, nhà phân tích thị trường năng lượng tại CHS Hedging, nói. Tồn kho dầu thô “giảm cùng với xuất khẩu đi xuống là tín hiệu tốt”.
Cơ quan năng lượng quốc tế (EIA) cho biết trong báo cáo hàng tháng rằng lực cầu đã vượt cung và tình trạng này dự báo thêm nghiêm trọng, bất chấp Iran tăng xuất khẩu dầu mỏ.
Giavang.net tổng hợp