Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng, giá vàng thế giới và trong nước giảm khá êm đềm. Tuy nhiên, nhìn lại diễn biến cả tháng, thị trường đã có những cú sụt mạnh và sau đó là những đột hồi phục mà giới chuyên gia gọi đó là ‘sự điều chỉnh cần thiết của xu hướng giá lên (con bò)’.
USD mạnh lên, vàng thế giới trượt dài trong xu hướng giảm
Thị trường vàng thế giới tháng 9 là sự đan xen giữa các tuần tăng và giảm vì biến động giá chịu sự chi phối của nhiều thông tin: USD, chứng khoán, gói cứu trợ, dịch bệnh Covid-19.
Vàng khởi đầu tháng 9 tại vùng cao $1989/oz và sau đó diễn biến theo chiều giảm trong 8 phiên sau đó. Lực cầu bắt đáy tại vùng $1913 của phiên 8/9 đã đẩy vàng tăng trở lại và củng cố trong biên độ 40USD khoảng $1920 – 1960 khi chứng khoán Mỹ tăng điểm. Thị trường trở nên giằng co và tích lũy trong suốt những ngày giữa tháng. Tình hình trở nên xấu đi khi USD lên đỉnh 2 tháng vào tuần trước, quý kim mất ngưỡng $1900 và từng rớt về vùng thấp $1850/oz trong ngày 24/9 và 28/9. Xu hướng bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ do cổ phiếu công nghệ bị thổi phồng cũng khiến cho vàng bị bán ra do nhà đầu tư bù lỗ và dùng tiền đáp ứng lệnh gọi kí quỹ.
Dù rằng giá vàng thế giới giảm sâu, mất hơn 200USD so với đỉnh 2 năm ghi nhận hồi đầu tháng 8, giới chuyên gia và các nhà phân tích đều coi đây là đợt điều chỉnh cần thiết của thị trường. Bước giảm này thậm chí là cơ hội tốt để nhà đầu tư chưa có vàng bổ sung kim loại quý vào danh mục đầu tư của mình.
Carsten Fritsch, nhà phân tích kim loại quý tại Commerzbank nói rằng sự rung chuyển trên thị trường vàng không phải là một bất ngờ lớn và nói thêm rằng nó đã xong một chút. Theo ông:
Môi trường cho vàng và bạc vẫn tăng giá. Không có gì thay đổi trong vài tháng qua.
Richard Baker, biên tập viên của Eureka Miner Report, nói rằng ông hy vọng những lo ngại về coronavirus lây lan sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Cây viết biện giải:
Số ca nhiễm Covid-19 trong nước đang tăng và thật không may, Hoa Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng thứ hai trong khung thời gian từ tháng 10 đến tháng 12. Tôi mong đợi sự lặp lại của hành vi sau tháng 3: đồng đô la suy yếu, vàng tăng giá. Nếu điều này thành hiện thực, sẽ có một cơ hội ở phía trước để mua vàng và bạc với giá chiết khấu.
Thị trường vàng trong nước chững lại, chưa có dấu hiệu lấy lại mốc 60 triệu
Theo niêm yết của Bảo Tín Minh Châu giao dịch, giá vàng khởi động tháng 9 ở mức 56,52 – 57,08 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra); tại thời điểm 16h chiều nay 30/9, giá vàng đứng ở ngưỡng 55,20 – 55,50 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra). Theo đó, giá vàng giảm 320 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1 triệu 580 nghìn đồng/lượng chiều bán ra trong cả tháng.
Theo niêm yết của Doji, giá vàng mở phiên 1/9 ở mức 56,60 – 57,40 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra); tại thời điểm 16h chiều nay 30/9, giá vàng đứng ở ngưỡng 55,10 – 55,40 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra). Theo đó, giá vàng giảm 500 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm tới 2 triệu đồng/lượng chiều bán ra trong cả tháng.
Diễn biến giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng tương tự, được thể hiện bằng biểu đồ sau:
Đáng chú ý, sau khi nới biên độ mua vào bán ra rộng, khoảng 2 thậm chí đến 4 triệu đồng mỗi lượng như những ngày đầu tháng 8, các doanh nghiệp vàng đã thu hẹp chênh lệch về mức thấp, chỉ còn vài trăm nghìn và thậm chí là 300 nghìn đồng/lượng như phiên cuối tháng. Mức biên độ này phản ánh sự dần ổn định của thị trường cũng như tạo cơ hội cho các nhà đầu tư chưa bước chân vào thị trường kim loại quý có khả năng sở hữu vàng.
Chuyên gia phân tích Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng nhận định:
Giá vàng giảm trong thời gian qua là do nhà đầu tư chốt lời sau đợt giá vàng tăng vừa qua. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư các tài sản an toàn cũng giảm bớt đi khi ngày càng nhiều tín hiệu tích cực về việc điều chế vắc xin Covid-19.
Ông Khánh cho rằng nhà đầu tư nên mua dần vàng chứ chưa nên mua số lượng lớn thời điểm này. Chiến lược phù hợp nhất hiện nay là đầu tư dài hạn. Đầu tư lướt sóng vẫn có thể lỗ.
Giavang.net tổng hợp