Trong những giờ đầu phiên giao dịch thứ Ba ngày 1/9 tại thị trường châu Âu, USD xuống thấp nhất kể từ giữa năm 2018 bởi các nhà đầu tư đánh giá lập trường mới của Cục Dự trữ Liên bang về lạm phát là lý do phù hợp để bán đồng bạc xanh.
Nhân dân tệ tăng tốt sau thông tin Chỉ số PMI Caixin sản xuất Trung Quốc trong tháng 8 tăng lên 53,1; cao hơn mức 52,6 dự báo do Investing.com dự báo và cao hơn số liệu tháng 7 là 52,8.
Trong khi đó, cặp EUR/USD lần đầu vượt mức 1,2 kể từ tháng 5/2018 khi nền kinh tế đón nhận những thông tin kinh tế tích cực. Cụ thể, số người thất nghiệp tại Đức giảm 9000 người trong tháng 8, khác xa dự báo tăng 1000 người của Investing.com. Đồng thời, PMI sản xuất khu vực EU đạt kì vọng ở mức 57,1 điểm trong tháng 8. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 giảm 0,4% như dự kiến của Investing.com.
“Xu hướng giảm đang diễn ra”, nhà phân tích Petr Krpata tại ING cho biết trong một ghi chú nghiên cứu, “với câu chuyện về lãi suất thực của Mỹ sẽ âm trong thời gian dài khiến đồng USD trở nên kém hấp dẫn trong những tháng và quý sắp tới”.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 17h13 giờ Việt Nam, tức 10h13 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, lùi 0,23% về 91,922 – thấp nhất hơn 2 năm qua.
Đồng bảng Anh tiếp tục kịch bản tăng trưởng ấn tượng, tỷ giá GBP/USD vọt 0,59% chạm 1,3448.
EUR lên cao nhất từ tháng 5/2018, tăng 0,34% so với tiền tệ Mỹ, cặp EUR/USD ở mức 1,1977.
Yên Nhật tăng trở lại sau phiên giảm sâu đầu tuần, USD/JPY lùi 0,12% về ngưỡng 105,77.
Franc Thụy Sỹ trượt nhẹ, cặp USD/CHF ở ngưỡng 0,9041 (+0,07%).
Nhân dân tệ Trung Quốc trong giao dịch nội địa có chuỗi tăng tốt nhất nhiều năm, cặp USD/CNY ở mức 6,8243 (-0,34%).
Tiền tệ hàng hóa cùng mạnh lên so với đồng bạc xanh. Cụ thể, USD/AUD trượt nhẹ 0,04% về giao dịch ở 1,3551. Tỷ giá USD/NZD mất 0,33% còn 1,4797.
Đồng đô la Canada mạnh lên so với USD, cặp USD/CAD ở ngưỡng 1,3010 (-0,27%).
Giavang.net