Thay vì báo hiệu sự sụp đổ vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu, việc đồng USD giảm giá mạnh thời gian vừa qua chủ yếu do bối cảnh kinh tế vĩ mô. Các yếu tố rủi ro có thể xói mòn vị thế độc tôn của đồng bạc xanh trong ngắn hạn hiện vẫn duy trì ở mức thấp.
Sự sụt giảm mạnh vừa qua của đồng USD đã dấy lên lo ngại rằng đồng tiền này có thể đánh mất vai trò đồng tiền dự trữ chính toàn cầu. Rút cuộc, bên cạnh động thái nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Cục dữ trữ Liên bang Mỹ – điều đe dọa làm suy yếu thêm đồng tiền chủ chốt của toàn cầu, kỳ vọng đối với giá vàng và lạm phát cũng đang gia tăng.
Tuy vậy, những lo lắng trên hiện đang bị phóng đại quá mức. Sự suy yếu vừa qua của đồng bạc xanh được dẫn dắt bởi các yếu tố chu kỳ trong ngắn hạn. Trong dài hạn, tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều: Đồng USD có cả điểm mạnh và điểm yếu có thể tác động tới vị thế toàn cầu của nó theo thời gian.
Nổi bật trong các yếu tố bất lợi ngắn hạn chính là chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của Fed. Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang có mức thâm hụt tài khóa lớn kỷ lục, cách tiếp cận của Fed có vẻ như có tác dụng hơn hầu hết các NHTW lớn khác.
Đồng đô-la thường suy yếu hơn trong các giai đoạn tâm lý ưa thích rủi ro gia tăng, và ngược lại. Đây là lý do vì sao giá trị của đồng tiền này tạo đỉnh trong giai đoạn Tháng 2 và 3 do sự hoang mang về dịch bệnh Covid-19, và sau đó suy yếu dần từ Tháng 4 khi tâm lý thị trường ổn định trở lại. Ngoài ra, việc Fed kích hoạt hạn mức hoán đổi tiền tệ với các NHTW khác cũng đã giúp hạ nhiệt cho căng thẳng thanh khoản của đồng USD trên toàn cầu. Giờ đây, sự ngập tràn của nguồn cung USD đang gây áp lực giảm giá cho đồng tiền này.
Hơn thế nữa, một số các quốc gia phát triển (Châu Âu và một số nơi khác) và các thị trường mới nổi (như Trung Quốc và các nước khác tại Châu Á) đang làm tốt hơn trong việc kiểm soát dịch Covid-19 so với nước Mỹ, nhờ đó sự phục hồi kinh tế có thể sẽ mạnh mẽ hơn. Thất bại trong kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế và tính chất dễ tổn thương của nền kinh tế Mỹ là những yếu tố góp phần vào sự suy yếu của đồng bạc xanh.
Cũng cần phải nhắc lại rằng từ trước sự xuất hiện của đại dịch, đồng USD đã tăng giá khoảng 30% cả trên tỷ giá danh nghĩa và thực (điều chỉnh bởi lạm phát) kể từ năm 2011. Xét tới việc thâm hụt với bên ngoài của Mỹ ngày càng mở rộng, và bởi lãi suất không đủ hấp dẫn để thu hút dòng vốn đầu tư, sự giảm giá của đồng là điều cần thiết để phục hồi lợi thế thương mại cho Hoa Kỳ. Đồng thời việc chuyển hướng sang chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cũng báo hiệu rằng nước Mỹ sẽ mong muốn đồng nội tệ của mình yếu hơn nhằm khôi phục lợi thế cạnh tranh với bên ngoài.
Kể cả trong ngắn hạn, đồng USD có thể sẽ mạnh trở lại nếu – theo như dữ liệu mới nhất của tăng trưởng toàn cầu chỉ ra – kịch bản phục hồi theo mô hình chữ V đang chuyển dần sang dạng chữ U, nếu như làn sóng đầu tiên của dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và làn sóng thứ 2 nhấn chìm nỗ lực phục hồi trước khi các loại vắc-xin có hiệu quả được tìm ra.
Trong trung và dài hạn, có nhiều yếu tố có thể bảo vệ cho vị trí vượt trội của đồng USD trên toàn cầu. Đồng đô-la sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ hệ thống tỷ giá hối đoái đa tệ linh hoạt, sự hạn chế kiểm soát dòng vốn, và chiều sâu, tính thanh khoản cao của thị trường trái phiếu. Cần nhấn mạnh lại đó là hiện chưa có đồng tiền thay thế nào có thể đáp ứng được vai trò đơn vị kế toán rộng rãi, phương tiện thanh toán, và dự trữ giá trị ổn định.
Hơn nữa, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ duy trì động lực và tính cạnh tranh trong nhiều ngành công nghiệp đi đầu như kỹ thuật, công nghệ sinh học, dược phẩm chăm sóc y tế và dịch vụ tài chính phát triển, tất cả những điều trên sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.
Bất cứ quốc gia nào muốn cạnh tranh vị trí của Hoa Kỳ sẽ phải tự hỏi rằng liệu họ có thực sự muốn có một đồng nội tệ mạnh và cùng với đó là sự thâm hụt lớn của tài khoản vãng lai nhằm đáp ứng nhu cầu tài sản trú ẩn toàn cầu (Trái phiếu chính phủ). Viễn cảnh trên có vẻ như kém hấp dẫn đối với Châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc, nơi mà hoạt động xuất khẩu là động lực chính cho tăng trưởng. Trong bối cảnh hiện tại, Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ giữ vững được “đặc quyền tối cao” của mình đó là nhà phát hành của các khoản nợ an toàn trong dài hạn mà các nhà đầu tư tư nhân và nhà nước đều muốn sở hữu trong danh mục.
Câu hỏi tiếp theo sẽ là những yếu tố nào có thể xói mòn vị thế toàn cầu của đồng USD theo thời gian? Đầu tiên, nếu Mỹ tiếp tục duy trì mức thâm hụt ngân sách lớn, từ đó nới rộng mức thâm hụt với bên ngoài, sự gia tăng của lạm phát cuối cùng có thể sẽ khiến đồng USD mất dần giá trị và làm giảm sức hấp dẫn của nó như là một đồng tiền dự trữ. Xét tới sự xáo trộn trong chính sách kinh tế hiện tại của Mỹ, đây là một rủi ro ngày càng gia tăng.
Một rủi ro khác đó là sự suy yếu của Mỹ trong vai trò lãnh đạo địa chính trị toàn cầu, và nguyên nhân chính khiến rất nhiều các quốc gia bắt đầu sử dụng đồng USD. Điều này không có gì quá mới mẻ. Tương tự như trường hợp của Tây Ban Nha vào thế kỷ 16, Hà Lan vào thế kỷ 17, Pháp vào thế kỷ 18 và Anh Quốc trong thế kỷ 19. Nếu như những thập kỷ tới đây mang tới cái gọi là “Kỷ nguyên Trung Hoa”, đồng USD rất có thể sẽ dần phải nhường vị trí cho đồng Nhân dân Tệ.
Quá trình vũ khí hóa đồng USD thông qua trừng phạt thương mại, tài chính và công nghệ có thể đẩy nhanh sự dịch chuyển trên. Kể cả khi cử tri Mỹ bầu ra một Tổng thống mới vào tháng 11 tới, các chính sách trên nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục, khi Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc là xu hướng trong dài hạn, và những đối thủ cạnh tranh chiến lược (Trung Quốc và Nga) cùng đồng minh đã chuẩn bị sẵn sàng để tránh tập trung vào các tài sản bằng đồng USD có thể sẽ bị cấm vận hoặc phong tỏa.
Cùng lúc đó, Trung Quốc đã bắt đầu tiến tới sự linh hoạt trong tỷ giá hối đoái, dần nới lỏng kiểm soát dòng vốn, và phát triển chiều sâu cho thị trường vốn nợ. Nước này đang thuyết phục các đối tác thương mại và đầu tư sử dụng đồng Nhân dân Tệ như là một đơn vị kế toán, phương thức thanh toán và dự trữ giá trị, bao gồm cả dự trữ ngoại hối. Quốc gia này đang hướng tới xây dựng phương thức thay thế cho hệ thống liên ngân hàng toàn cầu tạo lập bởi Phương Tây (SWIFT), và nghiên cứu đồng tiền điện tử có thể quốc tế hóa. Các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc cũng đang tạo ra các nền tảng thương mại và thanh toán điện tử đồ sộ (Alipay và WeChat Pay) mà các quốc gia khác có thể áp dụng với chính đồng nội tệ.
Do vậy, mặc dù vị trí của USD hiện tại vẫn đang an toàn, đồng tiền này sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong nhiều thập kỷ sắp tới. Đúng là hệ thống kinh tế tập trung cũng như thể chế chính trị kỹ trị của Trung Quốc bị chỉ trích rất nhiều từ Phương Tây. Tuy nhiên, mô hình trên đã trở nên khá hấp dẫn đối với nhiều thị trường mới nổi và các quốc gia với mức độ dân chủ thấp hơn. Theo thời gian, với việc quyền lực về kinh tế, tài chính, công nghệ và địa chính trị của Trung Quốc mở rộng, đồng nội tệ của nước này hoàn toàn có thể xâm lấn nhiều khu vực khác của nền kinh tế thế giới.
Theo Dubaotiente