Sau khi tăng trưởng liên tục trong 7 tháng đầu năm, vàng trong nước và thế giới tiếp tục ghi nhận mức cao kỉ lục trong những phiên đầu tháng 8, gây nên một cơn chấn động mới của thị trường tài chính. Tuy nhiên, giá vàng cũng không phải là cuộc chơi dễ nhằn khi chỉ vài ngày sau đó, thị trường sụt sâu không tưởng, khiến không ít người phải ngậm ngùi bắt dao rơi.
Kẻ hốt bạc, người chảy máu vì vàng
Theo niêm yết của Bảo Tín Minh Châu giao dịch, giá vàng khởi động tháng 8 ở mức 56,55 – 57,60 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra); tại thời điểm chốt phiên ngày 31/8, giá vàng đứng ở ngưỡng 56,62 – 57,08 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra). Theo đó, giá vàng tăng 70 nghìn đồng/lượng chiều mua vào nhưng giảm 520 nghìn đồng/lượng chiều bán ra trong cả tháng.
Theo niêm yết của Doji, giá vàng mở phiên 1/8 ở mức 56,40 – 57,50 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra); tại thời điểm chốt phiên 31/8, giá vàng đứng ở ngưỡng 56,45 – 57,10 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra). Theo đó, giá vàng tăng 50 nghìn đồng/lượng chiều mua vào nhưng giảm 400 nghìn/lượng chiều bán ra trong cả tháng.
Tuy rằng thị trường kết tháng khá bình ổn, nhưng diễn biến giá của cả tháng thì không hề êm đềm như thế. Biến động thị trường được thể hiện rõ nhất ở biểu đồ sau:
Phiên 7/8, giá vàng DOJI lên cao nhất mọi thời đại là 59,80 – 61,90 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra) khi giá vàng quốc tế đạt đỉnh cao $2075/oz. Theo ghi nhận của chúng tôi, giá vàng tăng kỉ lục đã khiến lượng giao dịch tăng đột biến ở cả chiều mua và chiều bán, người bán chốt lời vì giá cao, nhưng cũng có người mua vào với ước mong thị trường còn tăng hơn nữa. Tuy nhiên, giá vàng đã không chiều lòng các nhà đầu cơ giá lên. Theo đó, thị trường rơi rất nhanh trong 4 phiên sau đó, ghi nhận mức giá thấp nhất trong cả tháng là 52,80 – 55,50 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra). Như vậy, chỉ trong 4 phiên ngắn ngủi, có những người đã bị mất 10 triệu đồng mỗi lượng vàng giao dịch.
Thị trường những ngày giữa và cuối tháng là các phiên tăng giảm nhẹ đan xen và củng cố tích lũy khi thị trường thế giới lình xình dưới vùng $2000 cho tới tận phiên cuối tháng.
Giới đầu tư vàng trong nước tiếp tục ở thế yếu khi bị kìm giá bởi chênh lệch mua – bán quá cao những ngày đầu tháng, có lúc là 4 triệu đồng mỗi lượng. Điều này càng khiến cho nhà đầu tư gặp khó khăn khi lướt sóng vàng. Khi thị trường bình ổn hơn, như những phiên cuối tháng, chênh lệch mua vào – bán ra đã co hẹp dưới 1 triệu đồng.
Cẩn trọng khi đầu tư, tránh bị bắt dao rơi
Ông Phan Dũng Khánh, giảng viên của chương trình Giám đốc Tài chính Việt Nam, khuyến cáo trên thị trường vàng lúc nào cũng có những cái “bẫy” mà không ai ngờ đến. Vàng hồi về lại mức giá 56 – 57 triệu đồng/lượng nhằm “khiêu khích” sự tham gia của các dòng tiền trên thị trường chứ thật sự đây chưa phải là giá tốt. Chẳng hạn như vừa rồi, giá vàng thế giới giảm khá mạnh nhưng giá trong nước giảm không bao nhiêu, đến khi kim loại quý thế giới tăng nhanh, vàng SJC tăng khá chậm.
Theo ông Phan Dũng Khánh, nhiều người mua vàng với giá trên 62 triệu đồng/lượng vừa qua đã lỗ nặng. Bài học năm 2011 nhiều người đu đỉnh giá 49 triệu đồng, 9 năm sau giá lên 62 triệu đồng, nếu tính lời thì cũng không hẳn vì mất thời gian quá dài.
“Về mặt kỹ thuật, dự báo vàng sẽ tăng lại mức $2000/oz nhưng ngắn hạn vẫn đang nằm trong kênh đi xuống, giá vàng đang cần một “khoảng lặng” mới có thể tăng lại được”, ông Phan Dũng Khánh bình luận.
Giavang.net tổng hợp