Trong bài phát biểu tại hội nghị Jackson Hole trong ngày 27/08, Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra những thay đổi to lớn trong khuôn khổ chính sách tiề tệ, một cuộc đại tu khuôn khổ tham vọng nhất kể từ năm 2012.
Không chỉ chuyển đổi cách tiếp cận chính sách tiền tệ, vị Chủ tịch Fed còn ấn định một cột mốc mới trong hệ thống ngân hàng trung ương toàn cầu mà chắc chắn sẽ thổi bùng những cuộc tranh luận nảy lửa trong một khoảng thời gian.
Trước khi “cơn bão” Covid-19 ập đến, việc tạo dựng một khuôn khổ chính sách mới – dưới sự dẫn dắt của Phó Chủ tịch Richard Clarida – hưởng lợi từ một quá trình tham vấn cởi mở hơn, bao gồm “một chuỗi sự kiện Fed Listens (Fed lắng nghe ý kiến) trên khắp nước Mỹ”, theo ông Powell. Những nỗ lực này tập trung vào sự cần thiết của việc thay đổi chính sách tiền tệ để tương thích với “những thách thức mới xuất hiện”.
Cụ thể hơn, đợt đánh giá lại khuôn khổ chính sách kéo dài 2 năm qua xét tới những gì diễn ra trong nhiều năm: Sự suy giảm về mức tăng trưởng tiềm năng, lãi suất ngày càng thấp, thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát èo uột.
Kết quả là Fed đưa ra chiến lược mới bao gồm một mục tiêu “diện rộng và bao quát” dành cho thị trường việc làm và mục tiêu lạm phát trung bình “linh hoạt hơn”. Việc áp mục tiêu lạm phát trung bình cho phép “lạm phát tăng vượt ngưỡng 2% trong một khoản thời gian để bù đắp cho giai đoạn lạm phát dưới ngưỡng này”.
Sau đây là 5 điểm quan trọng nhất từ bài phát biểu của Chủ tịch Fed:
- Như ông Powell lưu ý, những thay đổi này nhằm nâng cao độ hiệu quả của Fed trong môi trường “bình thường mới” hiện nay. Họ hợp thức hóa việc Fed chủ động ngăn chặn rủi ro kỳ vọng lạm phát rớt mạnh và thúc đẩy việc làm như là một cách để giúp đợt hồi phục kinh tế mang tính bao quát hơn, đồng thời lưu ý đến tầm quan trọng của sự ổn định tài chính.
- Nhiều người ủng hộ Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại (MMT) có thể hoan nghênh khuôn khổ mới như một bước tiến lớn, trong đó hướng tới một cách tiếp cận cho phép nền kinh tế tăng trưởng nóng hơn trong một khoảng thời gian dài hơn, tài trợ cho thâm hụt tài khóa ở mức lãi suất thấp và thúc đẩy lạm phát tăng nhanh hơn nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng.
- Đây cũng là lý do tại sao một số người lo ngại Fed sẽ hành động quá trớn so với mục tiêu ban đầu (excessive mission creep), cũng như sự độc lập và hiệu quả của Fed sẽ bị xói mòn. Ngoài ra, cũng có rủi ro về danh tiếng trong việc theo đuổi môt mục tiêu hoạt động quyết liệt hơn vì nhiều năm qua, họ liên tục không đạt một mục tiêu kém tham vọng hơn (lạm phát đạt ngưỡng 2%).
- Chiến lược mới sẽ củng cố cho niềm tin của nhà đầu tư rằng sẽ có sự hỗ trợ khổng lồ về thanh khoản, qua đó đẩy giá tài sản ngày càng tách rời với các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và nền kinh tế.
- Mặc dù việc tạo ra những kết quả kinh tế phi thường – cụ thể là tạo ra tăng trưởng cao bền vững và bao quát mà không tạo ra bong bóng tài chính – được xem là cần thiết, những thay đổi trên có vẻ như vẫn chưa đủ. Fed vẫn sẽ phụ thuộc vào Quốc hội và chính quyền Mỹ trong việc đẩy mạnh chính sách thúc đẩy tăng trưởng hơn, nhất là theo đuổi các biện pháp kết hợp giữa chính sách tài khóa và cải cách cấu trúc mà có thể thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động và giảm bớt nỗi lo về kinh tế ở nơi hộ gia đình.
Theo Vietstock