Trong những giờ đầu phiên giao dịch thứ Năm ngày 6/8 tại thị trường châu Âu, USD tiếp tục chịu cảnh bán tháo, rời về đáy 2 năm khi Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Mỹ và kế hoạch cứu trợ mới nhất của Hoa Kỳ bị trì hoãn do tranh cãi chính trị.
Đà sụt giảm của tiền tệ Hoa Kỳ đã tăng tốc kể từ cuối tháng 7 do suy đoán rộng rãi rằng sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ có thể bị cản trở bởi hiệu suất kém của đất nước trong việc ngăn chặn sự bùng phát Covid-19.
Vào thứ Tư, báo cáo từ ADP về bảng lương tư nhân chỉ cho thấy có 167.000 việc làm được thêm vào tháng trước, phản ánh sự chậm lại đột ngột trong quá trình phục hồi việc làm, trước dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào công bố thứ Năm và bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu.
Trong khi đó, số người chết trên toàn cầu vì Covid-19 hiện là hơn 707.000, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Tại Hoa Kỳ, California đã báo cáo số ngày có người tử vong cao thứ hai vì virus vào thứ Tư và số ca nhiễm ở bang Florida lên tới 500.000.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters với hơn 60 chiến lược gia tiền tệ, được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 31/7 đến ngày 5/8, cho thấy đồng USD dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động kém hơn so với hầu hết các loại tiền tệ chính trong 12 tháng tới, với khả năng kịch bản yếu kém sẽ kéo dài hơn một năm.
Ngược lại, bảng Anh tiến lên sau khi Ngân hàng Anh cho rằng suy thoái kinh tế sẽ không tệ như dự toán ban đầu. Ngân hàng duy trì kích thích chính sách và lãi suất báo hiệu sẽ ở mức thấp.
Bảng Anh đã xóa bỏ phần lớn đà giảm xuất hiện khi dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến đóng cửa quốc gia vào tháng 3 – thời điểm đồng tiền này đã giảm xuống mức đáy trong 35 năm. Tuy nhiên, đa phần đà tăng xuất hiện nhờ sự yếu kém của USD. GBP thậm chí cũng có thể mất một số lợi nhuận trong năm nay trong bối cảnh Brexit không chắc chắn.
Tại thị trường mới nổi, tiền tệ Brazil tăng sau khi ngân hàng trung ương của nước này cắt lãi suất chính vào thứ Tư xuống còn 2% từ 2,25%. Các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng kích thích một nền kinh tế bị tàn phá bởi coronavirus mà không gây ra rủi ro tài chính liên quan đến chi phí vay rất thấp.
Tại Ấn Độ, rupee tăng sau khi Ủy ban Chính sách tiền tệ Ấn Độ bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 4%, trái ngược với dự báo từ một số nhà phân tích là giảm 25 điểm cơ bản.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 16h44 giờ Việt Nam, tức 9h44 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, lùi 0,03% về 92,823 – sau khi từng rớt về 92,483 phá đáy hơn 2 năm tại 92,523 ghi nhận cuối tuần trước.
Đồng bảng tăng rất mạnh, tỷ giá GBP/USD cộng 0,48% lên 1,3175 – chạm đỉnh 5 tháng.
EUR nhích 0,04% so với tiền tệ Mỹ, cặp EUR/USD ở mức 1,1866.
Yên Nhật gần như đi ngang, USD/JPY cộng 0,01% chạm ngưỡng 105,58.
Franc Thụy Sỹ liên tục tăng kể từ thứ Ba, cặp USD/CHF ở ngưỡng 0,9075 (-0,09%).
Nhân dân tệ Trung Quốc trong giao dịch nội địa giảm nhẹ sau đợt tăng sốc, cặp USD/CNY ở mức 6,9438 (+0,12%).
USD không biến động nhiều so với tiền tệ hàng hóa. Cụ thể, USD/AUD trượt 0,01% về giao dịch ở 1,3901. Tỷ giá USD/NZD tiến 0,04% chạm 1,5046.
Đồng đô la Canada suy yếu, cặp USD/CAD ở ngưỡng 1,3277 (+0,09%).
Giavang.net