“Vàng đang tăng thì mua làm gì?” là ý kiến của rất nhiều người về việc đầu tư vào thời điểm giá vàng quá đỗi lấp lánh. Tuy nhiên, nhận định này liệu có đúng cho mọi trường hợp?
Vàng là kim loại quý, gắn bó xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của loài người. Có thời điểm nó được xem là phương tiện thanh toán trung gian hay là “tài sản – đầu tư” như trang sức, vàng miếng. Ở thời điểm hiện tại, khi mà các Ngân hàng Trung ương trên thế giới thực hiện vai trò điều tiết tiền tệ quốc gia, tiền là phương tiện thanh toán trung gian và vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư khỏi các rủi ro – trong đó có rủi ro lạm phát.
Thời gian qua, khi thị trường tài sản toàn cầu bỗng trở nên rủi ro hơn, vàng đã trở nên thu hút hơn bao giờ hết. Giá vàng vì thế mà đã liên tục tăng cao, lập nhiều kỷ lục mới.
Dù vậy, một nhà đầu tư vàng, anh L.M cho biết: “Sau một năm đi ngang của thị trường chứng khoán và bất động sản, tôi đánh giá vàng là tài sản có vẻ vẫn chưa tăng đủ mạnh so với các kênh đầu tư khác”.
Tháng 12/2019 chính là thời điểm anh L.M quyết định tăng tỷ trọng đầu tư vào vàng từ việc giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu với kỳ vọng bàn tay vô hình của thị trường sẽ “sửa sai”, đưa vàng về đúng giá trị – thời điểm này là giai đoạn tiềm ẩn rủi ro xảy ra một đợt suy giảm kinh tế mới. “Tại thời điểm này, tôi kỳ vọng rằng sẽ có một đợt suy thoái kinh tế và vàng là phương tiện hạn chế rủi ro đầu tư, thêm nữa Covid-19 là bước ngoặt không thể lường trước được”, anh L.M chia sẻ.
Ở thời điểm hiện tại, khi vàng đã tăng xấp xỉ 17% so với cuối năm 2019 vì dịch bệnh và rủi ro khủng hoảng tài chính hậu dịch Covid-19, anh L.M hay đa phần các nhà đầu tư cá nhân kỳ vọng vàng sẽ tiếp tục tăng vì nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đầu tiên phải kể đến là nguồn cung hạn chế của nó.
Thứ hai, các gói cứu trợ khổng lồ dành cho doanh nghiệp và công dân được các Ngân hàng Trung ương/Chính phủ bơm ra thị trường. Điều này có ý nghĩa rằng khi các ngân hàng giảm tích lũy tiền giấy, thay vào đó là tăng tích lũy vàng sẽ là động lực thúc đẩy giá vàng tăng.
Thứ ba, trong thời kỳ bất ổn về kinh tế và khi đồng đô la yếu đi, người ta sẽ chuyển sang đầu tư vào vàng để tránh rủi ro.
Cuối cùng, để kích thích kinh tế phát triển, Chính phủ các nước sẽ có những biện pháp kích thích kinh tế như đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng… Dòng tiền được Chính phủ bơm gián tiếp vào nền kinh tế cũng là yếu tố cần phải được quan tâm và sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến rủi ro lạm phát.
Theo anh L.M: “Để chủ động trong việc đầu tư, tôi theo dõi sát sao diễn biến địa chính trị và chính sách của các Ngân hàng Trung ương. Không loại trừ khả năng sau khi nền kinh tế thế giới đi vào ổn định, giá vàng sẽ quay đầu điều chỉnh như giai đoạn 2009 – 2013.”
Không phải là người theo dõi sát sao diễn biến thị trường và có nhiều phân tích cũng như dự báo diễn biến vàng trong tương lai như anh L.M, chị T.A lựa chọn đầu tư vàng dài hạn như một cách tiết kiệm. Tháng 01/2020 là thời điểm chị T.A quyết định mua vàng với mức giá 43.75 triệu đồng/lượng. So với mức giá khoảng 50 triệu đồng/lượng như hiện nay, ước tính khoản đầu tư của chị T.A đã có lời khoảng 14% chỉ trong 6 tháng.
Trong khi đó, nếu quyết định gửi tiền ngân hàng với mức lãi suất tiết kiệm cao nhất đầu tháng 1/2020 cho kỳ hạn 6 tháng, thì khoản đầu tư này chỉ hưởng lãi suất là 3.98% trong 6 tháng.
Nhà đầu tư cần lưu ý gì?
Từ hai trường hợp thực tế của anh L.M và chị T.A, dù là “lướt sóng” hay đầu tư dài hạn đa phần đều dùng nguồn vốn tự có để tích trữ và nắm giữ vàng cùng với việc đánh giá triển vọng những kênh đầu tư thay thế. Ngược lại, nếu mua vàng bằng vốn vay thì cần phải hết sức thận trọng vì giá vàng biến động thế nào khó có thể lường trước được.
Trước sức nóng từ vàng, tâm lý chốt lời là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định đầu tư vàng vào thời điểm nhạy cảm này, nhà đầu tư nên hiểu rõ bản chất vàng là kênh đầu tư tránh rủi ro, trong đó có rủi ro lạm phát. Vì thế, nếu có tiền nhàn rỗi, việc đầu tư vàng để tích trữ giá trị và tiết kiệm là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh chứng khoán không có nhiều dư địa tăng và lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng vẫn còn rủi ro có thể đột biến giảm mạnh như đã từng xảy ra vào tháng 3 vừa rồi. Có thể nói, tình hình vàng trong nước, cung cầu vẫn quân bình, không có chuyện thiếu vàng, do đó, giá vàng biến động có thể do ảnh hưởng tình hình giá vàng thế giới.
Trong khi đó, giá vàng thế giới lại đang chịu tác động bởi nhiều nguyên nhân. Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng sẽ tác động đến giá vàng. Đồng thời, giá trị đồng USD suy giảm vì các chính sách mang tính chất nới lỏng tiền tệ của Mỹ, một khi giá trị đồng USD giảm thì sẽ đẩy giá vàng lên.
Cùng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cũng cho biết giá vàng trong nước tăng do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới.
Theo ông Khánh, giá vàng trong dài hạn vẫn ở xu hướng tăng, chưa có dấu hiệu dòng tiền từ các nơi giảm xuống.
Theo Vietstock