25 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Việt Nam Tin mới nhất

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 3,8%

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 có thể đạt mức 3,8%, cao hơn so với các dự báo trước đó.

Sáng 21/7/2020, VEPR đã tổ chức Tọa đàm “Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II và 6 tháng đầu năm 2020”. Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng Quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho biết, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong Quý II/2020, đạt 0,36%. Tính chung sáu tháng đầu năm, GDP tăng 1,81%.

Theo dự báo của VEPR, ở kịch bản cơ sở (khả năng cao), dịch Covid-19 sẽ không tái phát trong nước trong khoảng thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 3,8%.

Tuy nhiên, Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 và 6 tháng đầu năm của VEPR cũng đưa ra một kịch bản bất lợi hơn, dù khả năng xảy ra thấp, theo đó tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ ở mức 2,2%; dù dịch bệnh vẫn được khống chế hoàn toàn trong khoảng thời gian còn lại của năm.

Ở kịch bản này, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải kéo dài thời gian phong toả sang quý 4/2020 dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu, các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước đối với loại hình dịch vụ này cũng hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng.

Báo cáo của VEPR nhấn mạnh, do nguồn lực tài khoá hạn hẹp, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự một số nước khác

Cũng theo VEPR, trong trường hợp của Việt Nam, việc chủ động cắt giảm các chi phí bắt buộc như phí và hoãn/ giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp.

Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai nên được ưu tiên hàng đầu và cần được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Song theo VEPR chính đây lại là điều đáng lo ngại nhất. Do khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội chậm, thậm chí gần như bất khả thi, do mạng lưới thực thi kém hiệu quả và không tạo được niềm tin cho người dân.

Một khuyến nghị quan trọng từ các chuyên gia là trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.

Tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....