Chuyên gia Mỹ thừa nhận rằng, chiến lược vàng của Moscow trong những năm qua là bước đi đầy triển vọng, mang lại hiệu quả cao cho Nga.
Kể từ tháng 1 năm nay, giá vàng đã tăng lên 19,5%, vàng đã trở thành tài sản có tính thanh khoản cao nhất thế giới. Giá vàng tiếp tục chinh phục đỉnh mới, vượt qua ngưỡng cản quan trọng 1.800 USD/troy ounce. Tuần trước, mức giá đã tăng đến 1.820 USD/ troy ounce – mức giá cao nhất kể từ năm 2011.
Trong những năm gần đây, Nga tích cực mua vàng cho dự trữ quốc gia và giảm tỷ lệ đồng USD. Các nhà phân tích Mỹ đã phải thừa nhận rằng, chiến lược này đầy hứa hẹn.
Tuy nhiên, kể từ tháng 4, Nga đã tạm ngưng mua vàng và đang chờ đợi thời cơ. Điều gì đang xảy ra? Hãng thông tấn Nga Sputnik đã có bài viết phân tích về “chiến lược vàng” của Ngân hàng Trung ương Nga, giải thích lý do tại sao Moscow mua mạnh vàng dự trữ.
Cơn sốt vàng trên thị trường thế giới
Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong sáu tháng, tiền đổ mạnh vào các quỹ ETF vàng (quỹ chỉ số giao dịch trao đổi) đạt 39,5 tỷ USD.
Cơn sốt vàng trên thị trường quốc tế là hậu quả của những rủi ro toàn cầu ngày càng tăng do sự bùng phát của đại dịch coronavirus (COVID-19). Thị trường lo ngại rằng làn sóng đại dịch thứ hai có thể cản trở sự phục hồi kinh tế và đưa tới tình trạng thắt chặt thêm các hạn chế kiểm dịch.
Những lo ngại về đại dịch củng cố nhu cầu của khách hàng về những tài sản có độ tin cậy cao. Kết quả là thị trường chứng khoán toàn cầu đang suy giảm, trong khi thị trường vàng đang được tăng cường.
Ngoài ra, sự suy giảm của đồng tiền Mỹ (đồng USD giảm tuần thứ ba liên tục) cũng đang ảnh hưởng mạnh đến giá vàng.
Một động lực khác là những lo ngại về sự gia tăng lạm phát bởi vì các ngân hàng trung ương trên thế giới phải in thêm tiền để hỗ trợ nền kinh tế đang chịu tác động của đại dịch COVID-19. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, những chương trình hỗ trợ tài chính quy mô lớn được áp dụng tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới làm tăng rủi ro lạm phát và vàng sẽ trở thành công cụ tin cậy để giảm thiểu độ rủi ro này.
Lãi suất thấp của các tài sản phi rủi ro cũng khiến các nhà đầu tư phải xem xét đầu tư vào kim loại quý. Ví dụ, lợi suất thực tế của trái phiếu chính phủ Mỹ được điều chỉnh theo lạm phát là dưới 0. Tức là, các nhà đầu tư phải “bỏ tiền túi” để giữ chứng khoán Mỹ trong kho bạc.
Sắp tới, các công ty Mỹ sẽ công bố báo cáo tài chính quý II. Có vẻ như các chỉ số sẽ còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008. Và giá vàng dự kiến sẽ còn tăng cao hơn trong thời gian tới.
Theo dự báo của Cơ quan đánh giá quốc gia của Nga (NRA), giá vàng trung bình năm của năm 2020 sẽ tăng hơn 20%, trong sáu tháng đầu năm, giá vàng tăng 26% so với cùng kỳ năm trước năm, đạt mức tối đa trong tám năm trở lại đây” – NRA cho biết.
Đà tăng mua chững lại vì sao?
Các ngân hàng trung ương đang mua vàng với tốc độ nhanh nhất trong suốt lịch sử được ghi lại.
Năm 2018, khối lượng kim loại quý này trên bản quyết toán của các ngân hàng trung ương đã tăng 656 tấn – con số cao nhất kể từ năm 1971, kể từ khi Hoa Kỳ từ bỏ tiêu chuẩn vàng,còn trong năm 2019 là 648 tấn. Hiện nay, Nga đứng thứ năm trên thế giới trong số những quốc gia nắm giữ trữ lượng vàng.
Chiến lược này giúp đa dạng hóa dự trữ và giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la, bao gồm cả bảo vệ trước rủy ro vỡ nợ trái phiếu dollars. Trung Quốc và Nga nhận thức rõ rằng, các khoản nợ của Washington sẽ không bao giờ được trả hết và cuối cùng việc mua lại chứng khoán của Mỹ là nỗ lực vô ích.
Ông Peter Schiff, Giám đốc điều hành của Euro Pacific Capital nhận xét: “Nga và các nước khác đang nhận thức được sự cần thiết phải mua vàng để tăng quỹ dự trữ ngoại hối vì sự sụp đổ của USD rất có thể sẽ sớm diễn ra”.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi tình hình. Theo dự báo của Standard Chartered, khối lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương trong năm nay sẽ xuống còn 360 tấn.
Các nhà phân tích tại công ty đầu tư VanEck của Mỹ chỉ ra rằng, nguyên nhân phần lớn là do Nga không mua thêm vàng kể từ ngày 1 tháng 4.
“Tại sao chúng tôi ngừng mua vàng? Bây giờ nhu cầu mua vàng lớn trên thị trường thế giới và điều này có thể khiến doanh thu xuất khẩu gia tăng và dòng ngoại tệ đổ vào thị trường Nga. Chúng tôi thấy rằng, các nhà xuất khẩu đang lợi dụng tình huống này – bà Elvira Nabiullina, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga giải thích.
Nga đang chờ đợi thời cơ
Đồng thời, vị nữ Thống đốc nhấn mạnh, tỷ lệ vàng trong dự trữ của Nga đang ở mức độ vừa phải.
“Ngân hàng trung ương sử dụng dự trữ vàng và ngoại tệ để hỗ trợ củng cố đồng rúp và tiến hành phân bổ dự toán chi thường xuyên theo quy định của ngân sách. Và Ngân hàng trung ương bán ra không phải vàng, mà là đồng dollars – loại tài sản độc hại nhất” – ông Dmitry Golubovsky, nhà phân tích của công ty Kalita-Finance nói.
Chuyên gia nhấn mạnh, bảng cân đối của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tăng lên mức kỷ lục, đơn vị tiền tệ của Mỹ đang được định giá quá cao theo sức mua tương đương (PPP). Do đó cần phải thoát khỏi đồng USD.
Sau khi phân tích chính sách tài chính của Nga, các chuyên gia của công ty đầu tư VanEck thừa nhận rằng, chiến lược vàng của Nga mang lại kết quả.
Theo các chuyên gia Mỹ, cơn hoảng loạn trên thị trường vàng tạm thời lắng xuống, nhưng xu hướng này sẽ không kéo dài được lâu. Các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Nga, vốn dựa vào kim loại quý, chỉ cần chờ đợi thời cơ.
Theo các chuyên gia Mỹ, Moscow sẽ nối lại và tăng cường đầu tư vào vàng sau khi đại dịch coronavirus kết thúc, các nền kinh tế phục hồi và giá vàng sẽ trở lại mức chấp nhận được.
Trong khi đó, dự trữ vàng của Nga đang trở nên đắt hơn. Theo Ngân hàng Trung ương, vào tháng 6, nguồn dự trữ vàng của Nga lại tăng 2,5% (3,24 tỷ USD), lên tới 130,790 tỷ USD. Vàng chiếm 23% tổng dự trữ ngoại hối của Nga. Đầu tư vào chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ đã giảm xuống mức tối thiểu, chỉ còn 6,85 tỷ USD.
Theo Báo đất việt