Chiều 6/7 đánh dấu mốc mới với thị trường kim loại quý trong nước khi giá vàng SJC lên 50,02 triệu đồng một lượng.
Mổ xẻ đà tăng giá này, ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng có thể khái quát bằng ba nguyên nhân chính.
Đầu tiên, việc giá vàng thế giới và trong nước lần lượt kiểm định các ngưỡng cản tâm lý 1.788 USD và 49,9 triệu đồng tạo bàn đạp cho xu hướng đi lên. Tiếp đến, vàng cũng trở thành tài sản trú ẩn khả dĩ và an toàn bậc nhất lúc thị trường chứng khoán trong nước có dấu hiệu điều chỉnh, trong khi rủi ro bất động sản rõ nét. Cuối cùng, thông điệp sắp chiến thắng Covid-19 được Tổng thống Donald Trump đưa ra cuối tuần trước trong bối cảnh ca nhiễm mới cao kỷ lục cũng là tác nhân khiến thị trường hoang mang, đẩy giá vọt lên.
Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng tiền gửi ngân hàng giảm mạnh và thanh khoản chứng khoán thấp nhất trong hai năm qua đang thúc giục nhà đầu tư cá nhân tìm đến những kênh đầu tư hấp dẫn khác.
Bản chất của việc lập đỉnh lịch sử lần này, theo các chuyên gia, tương đối khác với tháng 10/2011 – khi giá vàng chạm mốc 49,5 triệu đồng một lượng. Giá vàng thế giới thời điểm ấy ở mức 1.900 USD một ounce, nếu quy đổi ra lượng và tỷ giá ngoại tệ chỉ khoảng 45,8 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa chênh lệch trong và ngoài nước lên đến 3 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó, quy đổi hai mức giá hiện tại thì chênh lệch không đáng kể.
“Đà tăng gần đây có cơ sở hơn, không tự nhiên vọt lên sau đó tụt xuống và chờ đợi gần một thập niên mới trở lại vùng giá cũ. Giá vàng đã ổn định vài ngày ở mức 49,4, sau đó từng nhịp leo lên 49,6 rồi mới chạm mốc 50 triệu”, ông Hải phân tích.
Bổ sung về khác biệt giữa hai lần lập đỉnh, ông Phạm Thiên Quang – Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng năm 2011 là giai đoạn khủng hoảng tài chính kéo theo sự đổ vỡ của thị trường bất động sản và ngân hàng, cộng thêm gói cứu trợ cực lớn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Hiện nay, giá vàng được xúc tác bởi các yếu tố như chiến tranh thương mại, suy giảm kinh tế, các động thái bơm thanh khoản và chưa có dấu hiệu đổ vỡ mang tính hệ thống.
Các chuyên gia đều đồng thuận động lực tăng giá của vàng đã bộc lộ gần hết. Tuy nhiên, xu hướng đi lên có thể kéo dài trong ba tháng tới nhờ các đặc tính của một tài sản trú ẩn trong bối cảnh tình hình địa chính trị và dịch bệnh tương đối bất ổn.
Theo ông Hải,đà tăng sẽ không dồn dập như hai tháng gần đây mà xuất hiện nhiều nhịp lên xuống đan xen, sau đó chững lại vào tháng 10. Thời điểm giá vàng hạ nhiệt có thể rơi vào trước đợt bầu cử Tổng thống Mỹ. Các buổi tranh luận của Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ – John Biden về các quyết sách nếu đắc cử có thể khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh, từ đó kéo giá vàng rơi xuống.
“Giá vàng trong nước trụ vững hay không là tuỳ thuộc vào diễn biến giá thế giới. Giá vàng thế giới đang giằng co dưới vùng 1.800 USD một ounce, thấp hơn mức đỉnh lịch sử năm 2011 nhưng nếu tính theo tương quan với đồng đôla Mỹ thì đây cũng là mức cao nhất”, ông Khánh nói.
Nhóm phân tích Goldman Sachs dự báo đà tăng chưa dừng tại đây mà sẽ lên 1.800-1.900 một ounce trong 3-6 tháng tới. Giá vàng trong một năm tới được nhóm này dự báo lên 2.000 USD một ounce, tương đương khoảng 56 triệu đồng một lượng nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng vàng cũng có nhiều khuyết điểm như không sinh ra dòng tiền đều đặn, chi phí bảo quản lớn và chênh lệch giữa giá mua với bán khoảng 1% – cao hơn cổ phiếu và trái phiếu.
Nhà đầu tư cá nhân am hiểu, theo dõi sát thị trường có thể mua và bán xoay vòng ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu dòng tiền nhàn rỗi lớn và có nhu cầu tích luỹ cho trung và dài hạn thì không nên bởi giá vàng còn biến động rất mạnh và chưa phân hoá xu hướng rõ ràng.
Theo Vnexpress