Ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh trong những ngày qua. Đến phiên giao dịch sáng 30/6, giá vàng SJC được các DN điều chỉnh tăng tiếp qua mốc 49,3 triệu đồng/lượng. Liệu mốc 50 triệu đồng/lượng có nhanh chóng xuất hiện?
Biến động mạnh trong tháng 7
Giá vàng ngày 30/6 trên thị trường thế giới trên đà chinh phục những đỉnh cao mới trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, lãi suất thực rơi vào vùng âm và các nước vẫn không ngừng bơm tiền vào nền kinh tế. Giá vàng tăng chủ yếu do giới đầu tư lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, diễn biến xấu đi của đại dịch Covid-19 làm giảm kỳ vọng về triển vọng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới. Căng thẳng Mỹ – Trung, Hàn – Nhật, Trung Quốc – Ấn Độ… cũng góp phần đẩy giá vàng đi lên. Sức cầu đối với mặt hàng này vẫn lớn. Các quỹ đầu tư, đặc biệt là SPDR – quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới đã liên tục mua vàng. Theo Hội đồng vàng Thế giới, trong tháng 5, các quỹ ETF đã mua thêm 154 tấn vàng. Riêng quỹ SPDR đã mua khoảng hơn 50 tấn vàng trong tháng 6 vừa qua.
Diễn biến trên đã đưa giá vàng tương lai tại Mỹ tiến sát mốc 1.800 USD/ounce, lên 1.784,35 USD, ghi nhận vào lúc 7 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 30/6. Điều thị trường chưa từng chứng kiến trong 9 năm qua. Trong khi giá vàng giao ngay cũng đang hướng tới tháng tăng thứ 3 liên tiếp và quý tăng mạnh nhất trong hơn 4 năm qua. Chốt tuần trước, giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai lần lượt tăng 1,7% và 1,6%. Từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng hơn 38,1% (489 USD/ounce) so với đầu năm 2019.
Trong nước, giá vàng cũng không ngừng đi lên. Trong tháng 5, vàng đã tăng rất mạnh, từ 400.000 đến 670.000 đồng/lượng. Trong khi đến ngày cuối cùng tháng 6 (30/6), giá vàng mở cửa tăng mạnh lên tới 49,37 triệu đồng/lượng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu so với mức giá vàng 48,50 – 48,90 triệu đồng/lượng ngày cuối cùng tháng 5 thì giá vàng tháng 6 đã tăng thêm 400 – 500.000 đồng/lượng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 49,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,35 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức 48,98 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,37 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giới chuyên gia cho rằng, nếu dòng tiền tiếp tục đổ vào các tài sản an toàn như vàng trong thời gian qua, thì nhiều khả năng về dài hạn, giá vàng còn tăng. Do đã vượt qua một số ngưỡng cản quan trọng như 1.750 USD/ounce, dựa vào biểu đồ kỹ thuật cho thấy, giá vàng giao tháng 8 thậm chí đã hướng sát tới ngưỡng 1.800 USD/ounce. Theo đó, dự báo giá vàng trong tháng tới đã sẵn sàng để chinh phục ngưỡng 1.800 USD/ounce và có thể hướng tới mốc 1.900 USD/ounce tiếp theo.
Nhà đầu tư hãy thận trọng
Hiện giá vàng thế giới 1.784,35 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá niêm yết tương đương 49,85 triệu đồng/lượng, cao hơn nhiều so với giá vàng trong nước. Nếu giá vàng thế giới lên 1.800 USD/ounce thì vàng trong nước cũng sẽ vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng. Nhưng theo các chuyên gia, lực mua vàng trong nước không có, khoảng cách giá trong và ngoài nước xa như hiện nay nên giá vàng trong nước vẫn chưa tiến tới mốc 50 triệu đồng/lượng. Nếu được rút ngắn lại như hồi cuối tháng 2, khả năng giá 50 triệu đồng/lượng sẽ xuất hiện.
Giám đốc chiến lược của Công ty Chứng khoán TD Bart Melek cũng khuyến cáo: “Một khi giá vàng vẫn trụ vững trên mức 1.750 USD/ounce trong đà tăng lần này, thì hoàn toàn có thể có cơ hội vượt ngưỡng 1.800USD/ounce. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần cẩn trọng áp lực chốt lời khi giá vàng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce” .
Chuyên gia này dẫn chứng, lần duy nhất khi mức độ phòng hộ rủi ro cực đoan này diễn ra ở vàng là vào đầu năm 1980 khi lãi suất từ 15% trở lên và nền kinh tế Mỹ đã bước vào thời kỳ lạm phát đình đốn (cuối thập niên 1970). Vào thời điểm đó, giá vàng đạt gần 7 lần giá của SPX tại thời điểm đó và sau đó giá của kim loại quý này rơi tự do sau khi đạt đỉnh vào năm 1981.
Theo Kinh tế và Đô thị