Thị trường vàng đang bị tác động theo khá nhiều chiều và diễn biến giá sẽ còn nhiều biến động nếu các vấn đề chính chưa được giải quyết.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao tháng 8 hạ 1,40 USD (tương đương 0,08%) xuống $1750,30/oz. Hợp đồng này đã trồi sụt trong khoảng từ $1737,60/oz đến $1761/oz trong ngày thứ Hai.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao ngay cộng 0,7% lên $1737,48/oz.
Hôm thứ Hai (1/6), giá vàng đầu tuần đã tăng lên đỉnh điểm trong bối cảnh đồng USD đang suy yếu vì căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, cũng như các cuộc biểu tình ở các thành phố của Mỹ, đã thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại trở thành nơi trú ẩn an toàn giảm thiểu rủi ro. Chốt phiên 1/6, Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – lùi 0,2%.
Căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã giúp vàng trở thành kênh đầu tư an toàn. Mặt khác, những diễn biến về cuộc biểu tình tại Mỹ cũng là nguyên nhân góp phần khiến đồng USD đang ở mức thấp, theo ông Afshin Nabavi, phó Chủ tịch cấp cao kinh doanh kim loại quý của MKS SA cho biết.
Tuy nhiên, thị trường lại bị chặn lại bởi nhu cầu đối với tài sản rủi ro, đặc biệt là trên phố Wall khi việc mở cửa nền kinh tế khiến nhà đầu tư hứng khởi. Bên cạnh đó, các số liệu kinh tế khả quan cũng khích lệ nhà đầu tư. Cụ thể, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số sản xuất tăng từ đáy 11 năm là 41,5 trong tháng 4 lên 43.1 trong tháng 5, trong khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo chi tiêu cho các dự án xây dựng của Mỹ giảm thấp hơn dự báo là 2,9% trong tháng 4/2020.
Quĩ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, lượng vàng dự trữ đã tăng 0,3% lên 1123,14 tấn vào thứ Sáu (29/5), mức cao trong 7 năm qua.
Giavang.net tổng hợp