Việc thử nghiệm vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, cộng với nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại đã khiến nhiều nhà đầu tư bán vàng để chuyển kênh đầu tư.
Sau khi mở cửa ở mức 1.706USD/oz, giá vàng quốc tế đã có thời điểm lên mức 1.715USD/oz, sau đó lại giảm xuống mức 1.693USDoz và đóng cửa ở mức 1.707USD/oz.
Sáng nay trên thị trường Châu Á, giá vàng mở cửa ở mức 1.709USD/oz, sau đó đao động trong biên độ 1.705- 1.712USD/o.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng giảm từ 48,85 triệu VND/lượng xuống 48,62 triệu VND/lượng.
Sáng nay, giá vàng miếng SJC niêm yết tại DOJI ở mức 48,65 triệu VND/lượng, chưa thay đổi so với mức giá đóng cửa chiều hôm qua.
Sở dĩ giá vàng lại tiếp tục chịu sức ép trong phiên giao dịch hôm qua do những tín hiệu tích cực về thuốc điều trị, vắc xin phòng ngừa dịch COVID-19, cộng với nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại, khiến các nhà đầu tư bán vàng để chuyển vốn sang các kênh đầu tư rủi ro, đặc biệt là chứng khoán. Điều này được thể hiện rõ qua chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 5 của Mỹ đã tăng lên mức 86,6 điểm, từ mức 85,7 điểm.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Reuters, phần lớn ý kiến cho rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo hình chữ U. Cụ thể, có 69/94 người được hỏi nhận định sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ theo hình chữ U, với tốc độ phục hồi không nhanh bằng tốc độ sụt giảm. Trong khi chỉ có 15 người được hỏi dự đoán sự phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V. Những người khác cho rằng sự phục hồi sẽ có hình chữ W, hoặc hình chữ L với hướng đi ngang sau khi suy thoái.
Cũng theo khảo sát nói trên, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 được dự báo sẽ giảm 3,2% so với mức giảm 2,0% được dự đoán trong cuộc thăm dò trước đó của Reuters.
Như vậy, dù các nhà đầu tư đang có nhiều kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ phục hồi trở lại sau dịch, nhưng sẽ khó tránh khỏi tăng trưởng âm trong năm nay. Bởi vì các nền kinh tế đầu tàu, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, EU… vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, các quốc gia này sẽ tiếp tục phải tung ra các gói kích thích kinh tế trong thời gian tới. Và kỳ vọng kinh tế phục hồi của nhà đầu tư chỉ tác động tiêu cực nhất thời đến giá vàng.
Trong khi đó, Trung Quốc đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Theo đó, dự luật này được sửa đổi theo hướng không chỉ bao gồm các hành động đe dọa an ninh quốc gia, mà còn cả các hoạt động khác. Có nghĩa là, không chỉ các cá nhân, mà cả các tổ chức cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của dự luật này.
Động thái nói trên của Trung Quốc có thể sẽ càng làm cho phía Mỹ phẫn nộ hơn, và Mỹ sẽ sớm đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung Quốc nếu Quốc hội nước này thông qua dự luật này. Đây là yếu tố đang hỗ trợ tích cực đối với giá vàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, yếu tố này chưa đủ mạnh để lấn át yếu tố niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng phục hồi kinh tế thế giới, cũng như yếu tố nhu cầu vàng vật chất đang ở mức thấp. Do đó, giá vàng sẽ khó tránh khỏi xu hướng tiếp tục điều chỉnh, tích lũy.
Theo phân tích kỹ thuật, dù trên biểu đồ 4h, các chỉ số RSI, Stochastic, CCI… đã nằm trong vùng vượt bán, nhưng các đường xu hướng ADX, MACD… vẫn cho thấy đà điều chỉnh tiếp diễn. Ở trên biểu đồ ngày cũng cho thấy tình trạng tương tự. Do đó, nếu giá vàng giảm xuống dưới 1.673 USD/oz (MA50), thì có thể giảm tiếp xuống 1.630USD/oz (MA100). Đáng chú ý, mức 1.673USD/oz là mức đã liên tục giới hạn xu hướng giảm trong 6 phiên giao dịch tính đến ngày 7/5, nên có thể cũng là mức hỗ trợ quan trọng. Ở chiều ngược lại, giá vàng cần đóng cửa ở trên 1.735 USD để thoát khỏi xu hướng điều chỉnh hiện tại.
Các thông tin đáng chú ý hôm nay là các số liệu kinh tế của Mỹ, như GDP quý 1 sửa đổi dự kiến vẫn giảm 4,8%; đơn đặt hàng hóa bền lâu dự kiến giảm 19%; đơn xin trợ cấp thất nghiệp dự kiến vẫn trên 2 triệu đơn… Nếu các số liệu này kém khả quan hơn dự kiến, sẽ hỗ trợ cho giá vàng và ngược lại.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp