Thị trường vàng sắp đáo hạn hợp đồng tháng 6 với giá duy trì trên ngưỡng $1700/oz. Giá vàng đang chịu áp lực khi việc tái khởi động nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia khuyến khích nhà đầu tư tìm tới tài sản rủi ro.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao tháng 6 lùi 29,90 USD (tương đương 1,7%) xuống $1705,60/oz.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay mất 1,1% còn $1710,95 USD/oz.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về việc tái khởi động kinh doanh và công tác chế tạo vắc-xin COVID-19 đạt được nhiều dấu hiệu tích cực. Tây Ban Nha đã kêu gọi khách du lịch nước ngoài quay trở lại từ tháng 7, trong khi Anh sẽ mở lại hàng ngàn trung tâm mua sắm vào tháng tới. Các tiểu bang Mỹ cũng dần dần nới lỏng các hạn chế.
Nhà phân tích Lukman Otunuga của FXTM cho biết nếu xuống dưới $1700, giá vàng có thể rơi về mức $1680/oz.
Tuy nhiên, ông Otunuga nhận định vàng có thể sẽ được hỗ trợ bởi căng thẳng thương mại, dữ liệu kinh tế đáng thất vọng và nỗi sợ tăng trưởng chậm.
Theo nhà phân tích Warren Patterson của ING, yếu tố có tác dụng hỗ trợ chính đối với thị trường vàng là căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và nếu căng thẳng giữa hai nước leo thang, giá vàng sẽ tiếp tục tăng.
Dù phải đang căng mình giành mọi nguồn lực giải cứu nền kinh tế, nhưng số lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương (NHTW) giảm không đáng kể. Theo thống kê của Hội đồng vàng Thế giới (WGC), trong quý 1/2020, các NHTW mua tổng cộng 145 tấn vàng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn 9% so với mức bình quân hàng quý trong 5 năm qua. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia mua nhiều vàng nhất với gần 73 tấn.
Trước đó trong năm 2019, các NHTW đã mua tổng cộng 650 tấn, trong đó Nga dẫn đầu về mua vàng dự trữ. Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đang là một quốc gia âm thầm mua vàng dự trữ. Nhiều chuyên gia dự báo lượng vàng thực tế mà quốc gia này nắm giữ lớn hơn nhiều so với mức đã được IMF công bố (1.936 tấn).
Giavang.net tổng hợp