Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm mới. Thế giới ghi nhận hơn 190.000 người chết trong hơn 2,7 triệu ca nhiễm nCoV, các điểm nóng vẫn ở Mỹ và châu Âu. Số trường hợp hồi phục là 744.961 ca.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 873.137 ca nhiễm và 49.748 người chết.
Tổng thống Donald Trump hôm qua ký sắc lệnh đình chỉ một phần hoạt động nhập cư vào Mỹ hôm 22/4, chưa đầy 48 giờ sau khi bất ngờ công bố quyết định trên Twitter. Dù không cấm hoàn toàn hoạt động nhập cư hợp pháp theo mong muốn của Trump, sắc lệnh này vẫn ảnh hưởng tới hàng nghìn người đang tìm cách đến Mỹ.
Ông chủ Nhà Trắng cũng thông báo tàu bệnh viện USNS Comfort sẽ rời New York dù mới chỉ tiếp nhận 178 bệnh nhân trong gần một tháng hỗ trợ thành phố chống Covid-19. Thống đốc New York Andrew Cuomo xác nhận ông nói với Trump rằng New York không cần tàu bệnh viện USNS Comfort nữa khi số ca nhiễm và chết do nCoV hàng ngày tại đây đang có chiều hướng giảm.
Số ca nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ vượt mốc 100.000
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24-4 cho biết tổng số người nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng lên 101.790 người sau khi có thêm 3.116 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ là vùng dịch COVID-19 lớn nhất ngoài Mỹ và châu Âu nhưng số ca tử vong thấp hơn đáng kể với 2.491 trường hợp.
Tổng số người hồi phục tại Thổ Nhĩ Kỳ tính tới ngày 24-4 là 18.491 trường hợp.
Ngày thứ hai liên tiếp Trung Quốc không có ca tử vong mới
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng 24-4 cho biết tính đến hết ngày 23-4 không ghi nhận ca tử vong mới nào vì COVID-19 ở đại lục, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp không có ca tử vong mới. Số ca nhiễm mới được ghi nhận trong cùng thời gian là 6, giảm 4 trường hợp so với ngày 22-4.
Theo NHC, tính đến hết ngày 23-4, tổng số người chết tại Trung Quốc là 4.632, tổng số ca nhiễm là 82.804, trong đó 77.257 đã được chữa khỏi. Số người đang được điều trị hiện đã dưới 1.000 người.
Việt Nam 8 ngày liền không ca nhiễm mới
Tính đến 6h sáng 24-4, Việt Nam ngày thứ 8 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Trong tổng số 268 ca mắc, đã có 224 ca được chữa khỏi (đạt tỉ lệ 84%).
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hiện còn 44 ca đang được điều trị tại 7 cơ sở y tế, 12 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 và 8 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 440 người chết vì nCoV, cao hơn 5 trường hợp hôm qua, nâng số ca tử vong toàn quốc lên 22.157. Số ca nhiễm tăng thêm 4.635 trường hợp lên 213.024. Tây Ban Nha hiện là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới nhưng xếp thứ ba về số người chết, sau Mỹ và Italy.
Quan chức y tế Tây Ban Nha tin rằng đại dịch tại nước này đã qua đỉnh hôm 2/4, gần ba tuần sau khi chính phủ áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, buộc gần 47 triệu người dân ở nhà để làm chậm virus lây lan.
Italy ghi nhận 2.646 ca nhiễm và 464 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 189.973 và 25.549.
Nước này là vùng dịch lớn thứ ba thế giới nhưng ghi nhận số ca tử vong lớn thứ hai. Nhiều bác sĩ tin rằng số người chết thực tế ở Italy cao hơn đáng kể vì hầu hết trường hợp chết trong viện dưỡng lão không được đưa vào thống kê và không rõ bao nhiêu ca tử vong ngoài bệnh viện.
Pháp xác nhận thêm 2.323 ca nhiễm và 516 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 158.183 và 21.856.
Pháp áp lệnh phong tỏa từ 17/3 đến 11/5, khi số người nhiễm và tử vong vì nCoV liên tục tăng. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa kéo dài làm gia tăng căng thẳng giữa người dân và lực lượng cảnh sát Pháp. Tình trạng bất ổn lan rộng sau vụ một người đi môtô tốc độ cao không đội mũ bảo hiểm tông vào cửa xe cảnh sát đang đỗ ở đèn đỏ khu Villeneuve-la-Garenne, ngoại ô phía bắc Paris hôm 18/4.
Đức báo cáo thêm 1.136 ca nhiễm và 126 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 151.784 và 5.404.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài. So với phần lớn các nước châu Âu khác, Đức đã đối phó Covid-19 tốt hơn khi thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng và có hệ thống y tế được chuẩn bị tốt. Tuy nhiên, bà Merkel cảnh báo Đức vẫn đang đi trên “băng mỏng”.
Trong khi toàn bộ 16 bang của Đức bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở các cửa hàng và giao thông công cộng, một số biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế Covid-19 đã được giảm bớt. Thủ tướng Đức cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường xét nghiệm và không nên đánh đổi những thành quả đã đạt được, nhấn mạnh đại dịch chỉ có thể chấm dứt khi vaccine được phát triển thành công.
Iran hiện là vùng dịch lớn nhất châu Á với 87.026 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 90 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 10 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng tổng số người chết lên 5.481.
Ấn Độ ghi nhận 1.669 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 23.039. Số ca tử vong là 721, tăng 40 ca. Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), chỉ 31% các bệnh nhân nCoV được xét nghiệm có triệu chứng, 69% còn lại không có triệu chứng nào.
Nam Phi chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 23-4 xác nhận các biện pháp phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt tại nước này sẽ được nới lỏng dần dần vào đầu tháng tới. Ông Ramaphosa giãi bày ông đang cố gắng cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và “để họ kiếm sống”.
Nam Phi hiện là vùng dịch lớn nhất châu Phi với gần 4.000 ca nhiễm và 75 ca tử vong tính đến ngày 23-4.
“Mặc dù việc phong tỏa toàn quốc có lẽ là phương tiện hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng nó không thể được duy trì lâu dài. Người dân của chúng tôi cần ăn, họ cần kiếm sống. Các công ty cần sản xuất và buôn bán”, ông Ramaphosa lập luận.
Khoảng 28.000 nhân viên y tế cộng đồng đã được triển khai trên khắp Nam Phi để sàng lọc và kiểm tra 57 triệu dân.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi xóa nợ 1 ngàn tỉ USD cho các nước đang phát triển
Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 23-4 đề xuất các nước giàu, tổ chức tài chính quốc tế nên cân nhắc xóa các khoản nợ 1 ngàn tỉ USD cho những nước đang phát triển.
Cơ quan được thành lập vào năm 1964 theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lập luận các nước đang phát triển đang đối mặt với nhiều khó khăn dồn dập. Ngoài những khoản nợ cũ, những nước này giờ phải đối mặt với suy thoái toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa suy giảm và đồng nội tệ yếu.
Trong lúc đó, đại dịch COVID-19 khiến các nước này lại phải chi nhiều tiền hơn cho hệ thống y tế và các gói kích thích kinh tế. Theo UNCTAD, khoảng 64 nước nằm trong nhóm thu nhập thấp đang dành tiền để trả lãi nợ vay còn nhiều hơn tiền dành cho hệ thống y tế.
Tổng hợp