Nhiều chuyên gia cho rằng, giá vàng quốc tế vẫn chịu tác động mạnh từ diễn biến của USD trong ngắn hạn.
Đúng như dự báo, giá vàng đã chịu áp lực chốt lời khá mạnh trong tuần này khi giảm mạnh từ mức 1.637USD/oz xuống mức 1.566USD/oz, giảm 4,33%. Đến cuối tuần, giá vàng đã phục hồi trở lại mức 1.618USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng sụt giảm từ mức 48 triệu VND/lượng xuống mức 46,5 triệu VND/lượng, sau đó phục hồi lên trên 47 triệu VND/lượng. Do các cửa hàng vàng ở những thành phố lớn đóng cửa, nên giao dịch vàng tại đây gần như “đóng băng”, dù một số công ty vẫn triển khai kinh doanh vàng online.
Sở dĩ giá vàng vẫn tiếp tục sụt giảm trong tuần này do nhu cầu USD tăng mạnh trở lại khi các nhà đầu tư bán vàng lấy tiền bổ sung ký quỹ trên thị trường chứng khoán. Điều đó đã giúp USD index bật tăng lên vùng 100 điểm.
Ngoài ra, kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nên nhu cầu vàng vật chất đang có xu hướng giảm mạnh, hiện người dân chủ yếu dành tiền để mua sắm tiêu dùng thiết yếu trong mùa dịch. “Lúc này, vàng đang là thứ xa xỉ đối với một số quốc gia, đặc biệt ở Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Người dân ưu tiên tiêu dùng hơn là mua vàng trong đại dịch COVID-19”, ông Ronald Leung, Trưởng phòng kinh doanh của Tập đoàn kinh doanh vàng Lee Cheong ở Hồng Kông cho biết.
Đáng chú ý, do dịch bệnh diễn biến quá nhanh và quá mạnh ở Mỹ, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gần như bị tê liệt. Điều này khiến cho tình trạng thất nghiệp ở Mỹ đáng báo động. Theo đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần này đã tăng lên mức 6,65 triệu trường hợp; việc làm phi nông nghiệp (NFP) giảm 701.000 việc làm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2010; tỷ lệ thất nghiệp tháng 3 tăng mạnh từ 3,5% lên 4,4%. Các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp cũng suy giảm mạnh, được thể hiện qua chỉ số PMI liên tục sụt giảm, đặc biệt PMI công nghiệp luôn ở dưới mức 50 điểm.
Với diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay, thị trường lao động của Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn nữa trong những tháng sắp tới. Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng phải thốt lên rằng, nếu không sớm kiểm soát dịch bệnh, thì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể sẽ vọt lên mức 20%.
Dù USD đang được nhiều nhà đầu tư săn lùng, nhưng kinh tế Mỹ đang có xu hướng suy giảm mạnh vì dịch bệnh chắc chắc sẽ tác động tiêu cực đến đồng tiền này. Hơn nữa, Mỹ đã tung ra các gói kích thích kinh tế và gói nới lỏng định lượng lên đến hàng nghìn tỷ USD, sẽ khiến áp lực lạm phát bùng phát mạnh trong tương lai, khiến USD cũng sẽ suy giảm mạnh. Do đó, vàng sẽ “lên ngôi”. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vàng có thể vẫn là mục tiêu bị bán tháo của các nhà đầu tư do họ phải bù đắp thua lỗ trên các thị trường khác.
Ông Bart Melek, Trưởng phòng phân tích của TD Securities, cho rằng giá vàng vẫn còn biến động thất thường trong ngắn hạn do tác động trực tiếp từ USD. “Nếu không có gì biến động đột biến, thì giá vàng vẫn trong biên độ 1.554- 1.640USD/oz trong tuần tới”, ông Melek nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, ADX, Stochastic, RSI… đã cho thấy tín hiệu tích cực hơn, nhưng chưa có thấy xu hướng tăng rõ nét trong ngắn hạn. Nếu giá vàng vẫn trụ vững trên 1.602USD/oz (MA200), thì có thể sẽ tiếp tục tăng lên vùng 1.670- 1.680USD/oz, thậm chí 1.704USD/oz. Ngược lại, giá vàng có thể lại quay xuống dưới 1.600USD/oz, với mức 1.547USD/oz (MA100) là vùng hỗ trợ quan trọng.
Trong tuần tới, có một số chỉ số kinh tế của Mỹ được công bố, như chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đơn xin trợ cấp thất nghiệp… Nhìn chung các chỉ số này vẫn kém khả quan, hỗ trợ cho giá vàng.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 6-10/4, trong số 12 chuyên gia phân tích của phố Wall, có 11 người (92%) dự báo giá vàng sẽ tăng và 1 người (8%) dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, trong số 1.245 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 834 người (67%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 235 người (19%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 176 người (14%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp