Chỉ sau 1 ngày, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 4.400 ca nhiễm mới và 46 nạn nhân qua đời. Những tiểu bang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là New York, Washington và California.
Theo Al Jazeera, tính đến tối ngày 19.3, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã tăng lên hơn 13.000, theo số liệu của Đại học John Hopkins và các bang ở Mỹ. Ít nhất 176 người ở Mỹ đã tử vong vì Covid-19.
Chỉ tính riêng trong ngày 19.3, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng lên hơn 4.000 – mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh lây lan ở Mỹ. Số ca nhiễm tăng mạnh phản ánh việc nhiều người Mỹ đã đi xét nghiệm hơn kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump huy động nguồn lực tư nhân để đẩy nhanh xét nghiệm.
Các bang chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch Covid-19 lần lượt là New York (5.306 người bệnh, 31 người tử vong), Washington (1.187 ca bệnh, 74 người tử vong) và California (952 ca bệnh, 18 người tử vong).
Trong khi đó, tối 19/3 thống đốc California – Gavin Newsom – đã yêu cầu 40 triệu người dân tiểu bang ở trong nhà trừ khi có việc thật sự cần thiết, ví dụ như mua thức ăn, thuốc men, đổ xăng… Việc hạn chế đi lại này đã được thực hiện ở Khu vực vịnh San Francisco vào ngày 18/3 nhưng nay mở rộng ra toàn bang California.
Lệnh hạn chế di chuyển được áp dụng cho đến khi có thông báo tiếp theo. Theo đó, những ngành kinh doanh không thiết yếu như rạp chiếu phim, phòng tập gym, quán bar… đã đóng cửa trong thời gian gần đây. Ngoài ra, các nhà hàng chỉ được cho khách mua mang về chứ không ngồi lại.
Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng thứ hai thế giới vì Covid-19, với hơn 41.000 ca nhiễm và hơn 3.400 người chết, cao hơn cả Trung Quốc. Miền bắc Italy, đặc biệt là vùng Lombardy, ghi nhận nhiều số ca nhiễm và tử vong vì nCoV nhất cả nước.
Italy gặp khó khi yêu cầu dân tuân thủ “cách biệt xã hội” ngăn Covid-19, trong khi các chuyến hàng vật tư y tế bị kẹt lại ở biên giới.
Dữ liệu của các công ty điện thoại Italy cho thấy khoảng 40% dân nước này không chấp hành khuyến cáo “ở yên trong nhà” của chính phủ, tờ Corriere della Sera đưa tin. Giới chức vùng Lombardy cũng đang “đau đầu” vì chỉ 60% dân địa phương ở nhà sau lệnh phong tỏa và đang hối thúc họ “triệt để tuân thủ khuyến cáo”.
New Zealand và Australia tuyên bố đóng biên giới với những người không phải là công dân, thường trú nhân để ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết quyết định đóng biên sẽ có hiệu lực từ 21h ngày 20/3 (17h giờ Hà Nội) và chưa có thời hạn kết thúc. Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố lệnh đóng toàn bộ cửa khẩu nước này được bắt đầu từ nửa đêm 19/3.
Hai thủ tướng đều trích dẫn dữ liệu cho thấy hầu hết các trường hợp nhiễm nCoV đều có nguồn gốc nước ngoài để giải thích cho lệnh đóng biên. Tuy nhiên, chinshh phủ hai nước vẫn cho phép vợ, chồng, con cái của công dân hoặc thường trú nhân nhập cảnh.
“Trong 6 tháng tới, chúng ta cần phải cùng nhau hành động. Chúng ta phải điều chỉnh hành vi của mình và hiểu cần thay đổi điều gì”, Thủ tướng Morrison phát biểu trên truyền hình khi thông báo lệnh đóng biên.
Australia đã quyết định hỗ trợ khoảng 60 tỷ USD cho nền kinh tế nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái. Chính phủ nước này cũng hợp tác với các hãng hàng không như Qantas để họ tiếp tục đưa người dân Australia về nước.
New Zealand cũng có những biện pháp mạnh tay tương tự, khi nâng cảnh báo đi lại lên mức 4. “Tôi không chấp nhận rủi ro tại biên giới của chúng tôi, đó là nơi bắt nguồn của hầu hết các ca nhiễm nCoV”.
Gần 245.000 người đã nhiễm bệnh và hơn 10.000 người chết vì nCoV sau khi Covid-19 xuất hiện tại 179 quốc gia, vùng lãnh thổ. New Zealand đã phát hiện hơn 30 ca nhiễm nCoV, Australia hơn 800 trường hợp, nhưng đều chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Tổng hợp