Đây là một trong những biện pháp được Ngân hàng Nhà nước triển khai nhằm mục đích phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong giao dịch tiền mặt trên thị trường.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành công điện về việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phải triển khai ngay một số giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch.
Một trong những biện pháp được NHNN đưa ra là khử trùng tiền cũ đã qua lưu thông.
Ưu tiên dùng tiền mới
Một trong những biện pháp được NHNN yêu cầu để phòng, tránh dịch bệnh lần này là sẽ khử khuẩn, sát trùng tiền mặt cũ.
Cụ thể, đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, cần thực hiện khử trùng, sát khuẩn thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt và kho quỹ. Các loại tiền cũ khi tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn (bó, bao) và được lưu giữ một thời gian nhất định trước khi chi ra tùy thuộc vào khả năng cân đối của từng NHNN chi nhánh.
Căn cứ tình hình tiền mặt trên địa bàn, có thể sử dụng lượng tiền mặt dự trữ trong kho tiền (loại tiền mới in, nhất là các loại mệnh giá nhỏ) để cung ứng cho các tổ chức tín dụng. Trường hợp tiền mới không đủ thì sử dụng tiền đã qua sử dụng và đã được khử khuẩn tại kho.
Lãnh đạo một NH thương mại tại TP HCM cho biết NH này sẽ tiến hành sớm việc khử khuẩn, sát trùng tiền mặt theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
“NH sẽ mua đèn UV để chiếu lên tiền mặt nhằm khử khuẩn. Nhưng biện pháp này tiến hành ở khu vực phụ của kho quỹ trong giờ làm việc nên có hạn chế nhất định. Bởi việc sử dụng đèn phải tuân thủ là đèn đạt tiêu chuẩn chống cháy nổ. Trong khi đó, việc phun thuốc khử trùng sẽ được tiến hành vào cuối ngày làm việc” – vị lãnh đạo NH thương mại này nói.
Nhiều nghiên cứu được công bố thời gian qua cho thấy tiền mặt bao gồm tiền giấy, tiền polymer và tiền xu tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan và diễn biến phức tạp, một số quốc gia đã tiến hành khử khuẩn, sát trùng hoặc cách ly tiền mặt. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo tiền giấy có thể là vật dụng trung gian truyền nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 12-3, một chuyên gia tài chính cho biết khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, NH trung ương nước này đã yêu cầu khử khuẩn tiền mặt. Tiếp đó, Mỹ cũng tiến hành cách ly những đồng USD có nguồn gốc từ châu Á để ngăn ngừa dịch bệnh… Một số quốc gia khử trùng tiền khi dịch lan rộng hoặc không xác định mầm mống lây nhiễm.
“Tuy nhiên, tại Việt Nam, đến thời điểm này, các nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát. Trong khi thực tế, lượng tiền mặt vào hệ thống NH chỉ là một phần, còn lại lưu thông hằng ngày ngoài thị trường khi người dân vẫn chuộng thanh toán bằng tiền mặt. Do đó, khử khuẩn, sát trùng hoặc “cách ly” tiền mặt cũ trong một khoảng thời gian nhất định chỉ là một giải pháp. Quan trọng nhất là ý thức sử dụng tiền của người dân trong thanh toán để phòng ngừa dịch bệnh” – vị chuyên gia tài chính này phân tích.
Vệ sinh thường xuyên máy ATM
Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài phải thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy ATM. Có biện pháp vệ sinh khử trùng tiền mặt (bó, bao) thu về trước khi nhập kho cuối ngày hoặc trước khi nộp về NHNN.
“Trường hợp lượng tiền mặt tồn kho nhiều, chi nhánh các NH thương mại sau khi khử khuẩn có thể lưu giữ tại kho một thời gian nhất định, trước khi xuất tiền chi ra cho khách hàng” – Thống đốc NHNN yêu cầu.
Trước đó, nhiều ý kiến khách hàng lo ngại khi giao dịch tại thiết bị ATM – bởi các nút bấm, khe nhận thẻ, nhận tiền hay màn hình của các ATM thường bám bụi bẩn, tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh khi mỗi ngày có cả trăm người đến giao dịch. Do đó, yêu cầu của cơ quan quản lý về việc các NH thương mại phải khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên các ATM là cần thiết.
Đồng thời, nhân viên giao dịch trực tiếp tiếp xúc với tiền mặt tại các điểm giao dịch của tổ chức tín dụng phải được trang bị khẩu trang y tế, găng tay, nước rửa tay sát khuẩn và bảo hộ lao động…
Cùng với việc khử khuẩn, sát trùng tiền mặt, trong công điện khẩn, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá và phát triển sản phẩm, dịch vụ NH trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tổng hợp