Những lo ngại về việc dịch COVID-19 làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu tiếp tục kìm hãm Phố Wall khi các quốc gia trên thế giới mở rộng kiểm dịch và hạn chế đi lại. California tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau ca tử vong vì virus đầu tiên và 53 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh ở bang này. Số người nhiễm bệnh ở New York cũng tăng gấp đôi lên 22 người khi bang này tăng cường xét nghiệm.
Phản ánh tình hình cấp bách của “cuộc chiến” chống lại Covid-19, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu đồng thuận 415-2 đối với đề nghị chi 8,3 tỷ USD ngân sách cho công cuộc ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh. Một cuộc bỏ phiếu của Thượng viện sẽ được thực hiện vào hôm 5/3theo giờ địa phương.
Dữ liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp công bố vào ngày thứ Năm cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp dịch bệnh bùng phát. Số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm 3000 người xuống còn 216000 người trong tuần kết thúc ngày 29/02/2020, cao hơn một chút so với dự báo giảm xuống 215000 người từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Phố Wall lao dốc sau phiên tăng sốc
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 969,58 điểm, tương đương 3,58%, xuống 26.121,28 điểm. S&P 500 giảm 106,18 điểm, tương đương 3,39%, xuống 3.023,94 điểm. Nasdaq giảm 279,49 điểm, tương đương 3,1%, xuống 8.738,6 điểm.
Tất cả 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều khép phiên chìm trong sắc đỏ. Các cổ phiếu hàng không cũng chịu tổn hại lớn, dẫn đầu đà sụt giảm của Dow Jones. Cổ phiếu United Airlines “bốc hơi” 13,4%, cổ phiếu American Airlines lao dốc 13,2%, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2016.
Chỉ số CBOE VIX đo sự sợ hãi trên Phố Wall tăng 7,62 điểm lên 39,61.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 5/3 là 12 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 10,2 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch trước đó.
Lợi suất Trái phiếu Mỹ thấp kéo đồng USD đi xuống
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã rớt xuống đáy kỷ lục dưới 0,9%.
Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đang dao động gần đáy 2 tháng là 96,83.
Giá vàng tăng nhanh cùng số ca Covid -19
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao tháng 4 tiến 25 USD (tương đương 1,5%) lên $1668/oz, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 24/02/2020, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay cộng 2,2% lên $1671,78/oz.
Vàng thu hút nhu cầu trú ẩn an toàn khi California tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và nhiều trường hợp nhiễm bệnh đang lan rộng trên toàn cầu, bao gồm ở Australia và Hàn Quốc, khiến việc kiểm soát dịch bệnh ngày càng khó khăn.
“Vàng trông như một trong những tài sản hấp dẫn nhất trong môi trường toàn cầu này, với lãi suất Mỹ có khả năng hướng về âm”, Stephen Innes, Giám đốc chiến lược thị trường tại AxiCorp, nhận định. Ông Innes cũng đề cập đến tình huống lãi suất danh nghĩa ngắn hạn đang ở hoặc gần mốc 0%.
OPEC giảm sản lượng vẫn không khiến giá dầu tăng
Giá dầu Brent tương lai giảm 1,14 USD, tương đương 2,2%, xuống 49,99 USD/thùng.
Giá dầu WTI tương lai giảm 88 cent, tương đương 1,9%, xuống 45,9 USD/thùng.
Thị trường năng lượng đi xuống trong bối cảnh OPEC nhất trí hạ sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý II, mức giảm sâu nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhóm sẽ hành động để các đồng minh, do Nga dẫn đầu, tham gia hành động. Giới phân tích và các nhà giao dịch nhận định thị trường dầu sẽ bị dư cung trong quý II do lực cầu giảm.
Nga hiện vẫn muốn kéo dài thời hạn của thỏa thuận hơn là tăng cắt giảm sản lượng.
Giavang.net tổng hợp