Diễn biến giá vàng đầy sự bất ngờ và trắc trở, nếu không đủ bản lĩnh, bạn rất có thể bị gục ngã trước những biến động của thị trường…
Với vàng, chúng ta đã có thể thấy một khởi đầu 2020 không thể thuận lợi hơn, giá đã bất ngờ “leo dốc” không ngừng nghỉ lên tới tận $1611/oz hôm 8/1 khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như căng thẳng Mỹ- Iran leo thang.
Không dừng lại ở đó, do dịch SARS-CoV-2 diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng toàn cầu, ngày 24/2 giá vàng tiếp tục “bốc đầu” bay cao hơn lên tới $1689/oz- mức cao nhất kể từ tháng 1/2003 đến nay. Tuy nhiên, trong 2 phiên gần đây là 25 và 26/2 gần đây, giá vàng đã liên tục trượt giảm sâu và có lúc từng về mức $1625. Trong phiên sáng nay 27/2, giá vàng nhích về vùng $1650 và không mang nhiều điểm đột phá dù tình hình dịch bệnh vẫn chưa mấy khả quan ở ngoài Trung Quốc đại lục.
Theo dữ liệu từ trang thống kê toàn cầu Worldometers cập nhật đến 7h ngày 27/2, toàn thế giới có 2.772 ca tử vong và 81.407 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Số ca hồi phục là 30.410. Đáng lưu ý, bảng số liệu của Worldometers cho thấy sự tăng đáng kể số ca nhiễm và ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục. Hiện đã có tổng cộng 56 trường hợp tử vong do Covid-19 ở các nước và vùng lãnh thổ bên ngoài tâm dịch Covid-19.
Tình hình dịch bệnh tại Iran rất nghiêm trọng khi trong ngày hôm qua (26/2), nước này ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong, nâng số ca tử vong do dịch Covid-19 lên đến 19 người. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Iran vào thời điểm này là cao thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc đại lục.
Hàn Quốc đã trở thành một tâm dịch mới, với 1.261 ca nhiễm và 12 người chết (Hàn Quốc đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc đại lục về số ca nhiễm). Còn tại châu Âu, Italy là điểm nóng khi có tới 470 ca nhiễm và 12 người tử vong.
Ông Stephen Innes, trưởng phòng chiến lược thị trường của AxiCorp, cho rằng dịch SARS-CoV-2 vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng toàn cầu. Điều này sẽ tiếp tục khiến các nhà đầu tư lao vào các tài sản an toàn, như vàng, trái phiếu…, có thể đẩy giá vàng tăng cao hơn nữa.
Nếu vượt qua $1690/oz, giá vàng có thể sẽ vượt ngưỡng $1700/oz
Ông Stephen Innes nhận định và cảnh báo, các nhà đầu tư cần thận trọng với áp lực chốt lời ngắn hạn khi đà tăng của giá vàng đang chủ yếu dựa vào nhu cầu đầu tư tài sản trú ẩn an toàn trong mùa dịch SARS-CoV-2. Nếu dịch này được kiểm soát, thì giá vàng sẽ nhanh chóng giảm mạnh trở lại. Tuy nhiên, nếu giá vàng vẫn trụ vững trên $1500/oz, thì giá vàng vẫn còn duy trì đà tăng trong trung và dài hạn.
Ngoài áp lực chốt lời, giá vàng còn giảm khi nhu cầu tiêu dùng xuống mức thấp, đặc biệt là tại Trung Quốc. Nền kinh tế hàng đầu châu Á đã chứng kiến một cái Tết Nguyên Đán quá đáng sợ, với nhu cầu vàng giảm không tưởng so với hàng năm vì dịch bệnh, người dân chẳng thế ra ngoài và các cửa hàng đóng cửa liên tục trong suốt một thời gian quá dài. Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco.com, nhận định:
Dường như vàng suy yếu do sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng đối với kim loại quý trong bối cảnh khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy thoái hiện lấn át nhu cầu trú ẩn an toàn do sự sợ hãi COVID-19. Trung Quốc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh, là nước dẫn đầu trên thế giới về nhu cầu tiêu thụ vàng.
Tuy nhiên, chắc chắn một số người vẫn đang tìm nơi trú ẩn khi chứng khoán toàn cầu đang chìm trong mầu đỏ rực. Đó là lí do giá vàng hiện tăng trở lại và chưa hề vi phạm mức đỉnh $1611 hồi tháng 1. Chiến lược gia tại Swissquote, ông Ipek Ozkardeskaya, nhận xét:
Giá vàng rõ ràng đang điều chỉnh theo xu hướng giảm bất chấp tâm lý ngại rủi ro dâng cao. Giá vàng sẽ về mức $1625/oz sau khi vào ngày thứ Hai tăng lên mức $1691/oze. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn mua vàng để ngừa rủi ro chứng khoán bị bán tháo mạnh.
Dự trữ vàng tại SPDR Gold Trust, qũy ETF vàng lớn nhất thế giới, đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2016 với 940,09 tấn vào thứ Ba (26/2).
Giavang.net