Thị trường vàng khởi động tuần mới bằng cú đột phá tăng không tưởng, liên tiếp phá mốc cao và vượt đỉnh lịch sử 49 triệu. Nhưng ngay sau đó, hôm qua 25/2, giá vàng lại điều chỉnh giảm sâu gần 2 triệu về mức 47 triệu. Một số nhà đầu tư đầu cơ giá cao chiều 24/2 đã thực sự khóc ròng vì biến động của kim loại quý. Họ tưởng rằng bắt được sóng để đầu cơ giá cao hơn, ai dè lại phải bị ‘dao rơi; cứa đứt tay.
Giá vàng trong nước chốt phiên giao dịch ngày 25/2, giá vàng miếng được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức: 45,850 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,350 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 45,800 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,820 triệu đồng/lượng (bán ra). So với chốt phiên giao dịch 24/2, mỗi lượng vàng đều giảm gần 2 triệu đồng.
Trong khi đó, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu sau đầu giờ sáng giảm mạnh 1,19 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 24/2 thì đến đầu giờ chiều giảm thêm 820.000 đồng/lượng chiều mua vào và 1,22 triệu đồng/lượng chiều bán ra, đứng ở mức 46,20 – 47,50 triệu đồng/lượng.
Như vậy, một số nhà đầu tư nếu mua vàng chiều 24/2 ở mức giá 49 triệu thì tới chiều qua, tức là chỉ trong 1 ngày họ đã mất tới hơn 3 triệu đồng khi bán ra với giá chỉ gần 46 triệu. Đây cũng là một lưu ý với nhà đầu tư, khi giá vàng tăng nóng, chênh lệch tăng cao, nhà đầu tư nếu chỉ vội nhìn sóng giá mà quên mất tính chênh lệch giá thì rất dễ bị cơn sốt làm bỏng tay.
Giá vàng tăng, đầu cơ lướt sóng có an toàn?
Phân tích nguyên nhân tăng giá vàng ở thời điểm hiện tại, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc vàng được ưa chuộng ở thời điểm hiện tại như bất ổn chính trị ở các nước Trung Đông, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hay việc Anh chính thức dời EU. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu lúc này đẩy giá vàng lên cao vẫn là do dịch cúm Covid-19 lan rộng, lo ngại về nguy cơ dẫn tới khủng hoảng toàn cầu khiến các nhà đầu tư truyền thống tìm tới vàng như một kênh trú ẩn an toàn để đầu tư.
“Họ rút tiền từ chứng khoán và các hoạt động khác để đầu tư vào vàng – là tài sản an toàn lâu đời nhất trong lịch sử loài người. Cùng với đó vàng lại có lợi thế ưu việt có thể chia nhỏ khi cần mua hoặc bán”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, bên cạnh những nhà đầu tư chân chính tìm tới vàng như một kênh đầu tư an toàn thì cũng có yếu tố đầu cơ đẩy giá. “Họ đang thổi giá vàng cả trên thế giới và ở Việt Nam để trục lợi khi vàng tăng nóng như hiện nay”.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, khoảng cách giá vàng mua – bán 500 nghìn đồng/lượng là giới hạn của rủi ro. Còn với khoảng cách từ 1 triệu – 2 triệu đồng như hiện nay là rất rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư lướt sóng. Việc để chênh lệch giá vàng mua và bán quá lớn là một cách để “nhà vàng” đẩy rủi ro sang cho người mua.
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trong thời gian tới, ông Hiếu nhấn mạnh, nhà đầu tư không nên có tư duy “ăn xổi” và cũng không nên chọn cách “bỏ trứng vào chung một giỏ” vì như vậy sẽ rất rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn khoảng cách giá mua-bán quá lớn như hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước lên tiếng, sóng vàng co lại
Trước những biến động bất ngờ của kim loại quý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tổ chức sáng 24/2 cho biết, biến động giá vàng trong nước trong thời gian vừa qua chủ yếu do giá vàng quốc tế và yếu tố tâm lý.
“Hôm nay, giá vàng quốc tế giảm và giá vàng trong nước còn giảm mạnh hơn. Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, mặc dù thị trường này không còn tác động đến ổn định vĩ mô. Nếu thị trường có diễn biến gây bất ổn, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp khi cần thiết”, Thống đốc cho biết.
Giavang.net tổng hợp