Tháng 7/2019, lần đầu tiên sau 10 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,25%. Tháng 9, tháng 10 sau đó, Fed lại cắt giảm lãi suất thêm 2 lần nữa. Sau khi liên tục tăng lãi suất từ năm 2015 và dự kiến đến 2020 mới kết thúc chương trình bình thường hoá chính sách tiền tệ, điều gì khiến Fed đảo ngược lộ trình? Có thêm những góc nhìn về vấn đề này, ta sẽ dự báo phần nào diễn biến đồng USD năm 2020.
Từ triết lý chủ đạo trong chính sách tiền tệ của Fed đến… giải thích chính trị?
Có lẽ, một trong những quyết định gây thất vọng nhất với thị trường là lần tăng lãi suất 0,25% vào cuối năm 2018.
Chẳng những thế, Fed còn phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa vào năm 2019. Thị trường chứng khoán Mỹ thực sự chấn động và đỏ rực sau các quyết định tăng lãi suất và phát tín hiệu của Fed.
Lúc bấy giờ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã leo thang đến đỉnh điểm; cùng lúc đó là khả năng đóng cửa chính phủ lâu dài do các bất đồng ngân sách giữa Tổng thống Trump và Quốc hội; thị trường kỳ vọng lãi suất giảm, vậy tại sao Fed vẫn kiên trì tăng lãi suất theo lộ trình?
Số là ông Powell – Chủ tịch Fed và nhiều thành viên Fed trong các cuộc họp báo cũng như nói chuyện tại các hội thảo và các trường đại học Mỹ đã liên tục truyền thông chính sách tới công chúng về nguyên tắc thiết lập lãi suất.
Theo đó, khái niệm quan trọng nhất mà Fed liên tục truyền thông đến thị trường là “lãi suất ngôi sao”, ký hiệu r* (r-star).
Trong ngôn ngữ các nhà kinh tế, ký hiệu * (sao) hàm ý một sự kỳ vọng, một cái nhìn hướng về phía trước. Ông Powell nói về r* đến nỗi hầu như ai cũng hiểu được ẩn dụ của nó. Đó là vào những lúc lạc lối, cách khả thi để tìm đường thoát ra là cứ ngước nhìn các ngôi sao mà đi.
Fed cũng vậy, họ cũng nhìn vào ngôi sao dẫn đường để đưa ra các quyết định lãi suất chính sách. r* là mức lãi suất trung tính.
Tại mức lãi suất này, nền kinh tế giống như một chiếc xe chạy đều ở trạng thái không nhấn thêm ga cũng không đạp thắng (đạt mức sản lượng tiềm năng và ổn định giá cả).
Fed muốn tất cả đều nhìn vào ngôi sao này để cùng hội tụ kỳ vọng về một hướng.
Nếu không có ngôi sao này, các hộ gia đình, doanh nghiệp và thị trường chứng khoán sẽ có những suy nghĩ khác nhau. Chính sách tiền tệ sẽ không thể hiệu quả trong bối cảnh mà mỗi chủ thể của thị trường đều có kỳ vọng khác biệt.
Vào thời điểm 2018, bằng các mô hình toán và nghệ thuật dự báo của mình, Fed đưa ra dãy số r* nằm trong khoảng 2,5%-3% (thấp hơn nhiều so với mức 4,3% – con số Fed công bố vào năm 2012). Fed muốn mọi người hiểu là họ sẽ tăng lãi suất đến mức chừng ấy thì ngừng.
Dựa trên triết lý này, Fed dùng thuật ngữ “kiên nhẫn” để mọi người cảm thông việc tăng lãi suất thêm 2 lần nữa vào năm 2019 để dần tiệm cận đến “ngôi sao” dẫn đường, bất chấp các khó khăn hiện tại của nền kinh tế.
Thế nhưng, mọi việc bắt đầu thay đổi vào ngày 4 – 5/6/2019. Đó là khi ông Powell bước lên bục thuyết trình trong một cuộc toạ đàm chính sách tiền tệ tại Chi nhánh Fed ở Chicago. Ông làm tất cả ngạc nhiên lớn khi không nói bất kỳ điều gì về ngôi sao r* yêu thích của mình nữa.
Thay vào đó, ông làm mọi người bất ngờ khi tìm cách giải thích cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Ông Powell nói: “Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao các diễn biến này ảnh hưởng thế nào đến triển vọng kinh tế Mỹ và giống như thường lệ, chúng tôi sẽ hành động thích hợp để duy trì nhịp độ mở rộng”.
Thị trường bắt đầu ngầm hiểu, Fed sẽ đảo ngược lộ trình bình thường hoá chính sách tiền tệ lần đầu tiên sau gần 4 năm.
Đến tai nạn thuật ngữ “điều chỉnh giữa chu kỳ”
Quả thật vậy, hơn 1 tháng sau, ngày 31/7/2019, Fed chính thức cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 10 năm.
Trong khi hầu hết các dữ liệu kinh tế đều tốt, quan trọng nhất là tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp nhất lịch sử, nếu không phải vì những đợt tấn công liên tục của Trump vào cá nhân Powell và Fed, động cơ gì khiến Fed giảm lãi suất?
Phát kiến nổi tiếng và cũng khó hiểu nhất của Powell khi ông giải thích đó chỉ là “điều chỉnh giữa chu kỳ”. Mãi cho đến giờ vẫn chưa ai giải thích rõ ràng ngữ nghĩa của nó, ngoại trừ Powell?
Chưa có những lý thuyết kinh tế nào nói về khái niệm này trước đó. Nhiều nhà kinh tế đã gọi đây thật sự là một tai nạn trong truyền thông chính sách của Powell.
Charles Plosser, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia giai đoạn 2006-2015 chia sẻ: “Tôi không hiểu đó là gì. Tôi là người trong cuộc ở Fed 10 năm nay mà thậm chí tôi cũng chịu thua không giải thích được nó là gì”.
Liền ngay sau đó, Bill Dudley, nguyên Chủ tịch Fed chi nhánh New York yêu cầu các đồng nghiệp của mình không giảm lãi suất thêm nữa.
Mục đích là để tăng thêm khả năng thất bại của Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020. Các yếu tố chính trị hầu như đã được đẩy lên cao trào chưa từng có trong lịch sử của Fed càng khiến cho thuật ngữ “điều chỉnh giữa chu kỳ” thêm phần bí hiểm.
Cho đến hết năm 2019, với 2 lần cắt giảm lãi suất tiếp tục sau đó, nhìn lại khái niệm “điều chỉnh giữa chu kỳ”, nhiều người lại càng thấy sự thiếu nhất quán trong thông điệp của Fed.
Lúc đó, đáng lý Powell phải dùng từ “bắt đầu chuỗi điều chỉnh” mới thoả đáng.
Truyền thông chính sách kiểu này giống như Fed đang thực hiện một lý thuyết trò chơi hơn là thực hiện vai trò của một ngân hàng trung ương.
Đó là, Fed phải luôn xuất hiện đúng thời điểm nhất để kết thúc một buổi tiệc vui khi nó đang ở mức cao trào.
Điều nguy hiểm nhất khi thị trường lý giải hành động nặng về tính kỹ thuật của khái niệm “điều chỉnh giữa chu kỳ” chẳng qua chỉ là chỉnh sửa sai lầm của Fed trong 4 lần tăng lãi suất trước đó vào năm 2018.
Phải đến 3 lần giảm lãi suất sau đó để chỉnh sửa 4 sai lầm trước đó? Hoá ra, ngôi sao dẫn đường của Fed là r* đã được định vị với sai số quá lớn. Vậy thì uy tín, triết lý chính sách tiền tệ và năng lực của Fed đến đâu? Nếu thị trường đặt ra giả thuyết này, uy tín của Fed sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Powell còn giải thích thêm hành động giảm lãi suất giống như việc “chích vắc-xin” bảo hiểm cho rủi ro suy thoái, nếu có thể, sẽ xảy ra với kinh tế Mỹ.
Ông Powell nói là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do chưa có tiền lệ nên các công cụ chính sách tiền tệ phải nên là như thế. Cứ như thể là con người ta lo xa vậy. Mặc dù chưa thấy bệnh tật gì cũng nên chích ngừa cho an toàn, bất chấp các phản ứng phụ.
Phản ứng của nền kinh tế với lãi suất thấp sẽ là lạm phát tăng tốc và tích luỹ thêm nhiều nợ xấu trong hệ thống tài chính.
Mặc dù Trump liên tục gọi Powell là kẻ thù và yêu cầu đưa lãi suất xuống 0%, quyết định của Fed giảm lãi suất nhỏ giọt vẫn cho thấy Fed ít nhiều chưa bị yếu tố chính trị chi phối.
Nhưng nếu thế thì vì sao khác với quyết định tăng lãi suất lần cuối vào năm 2018 với 100% thành viên hội đồng thiết lập lãi suất Fed đồng ý, cả 3 lần cắt giảm lãi suất năm 2019 đều có 2-3 thành viên phản đối?
Thị trường thực sự không rõ điều gì đang xảy ra trong các nhận định của Fed về diễn biến sắp đến của nền kinh tế nếu không có các yếu tố chính trị được chen vào?
Nên nhớ, Powell trước đó, cũng giống như vị 2 tiền nhiệm là Janet Yellen và Ben Bernanke, luôn dựa trên triết lý các biến động thương mại mang tính chu kỳ. Đó chỉ là các hiện tượng mang tính tạm thời và không nằm trong hàm phản ứng chính sách tiền tệ của Fed.
Vậy tại sao cứ mỗi lần giảm lãi suất trong năm 2019, Fed lại tìm cách đề cập bóng gió đến cường độ và thời gian của cuộc chiến thương mại?
Nói chung là có quá nhiều giả thuyết được đặt ra khó có thể lý giải được bằng các lý thuyết tài chính tiền tệ nếu không có bóng dáng của Trump trong đó.
Giải thích chính trị không phải là nghề của Fed. Càng đưa các tiên đoán chính trị vào trong đầu, cho dù để phủ nhận nó, truyền thông chính sách tiền tệ mà Powell mang đến cho thị trường lại càng làm cho nó nhiễu loạn.
Nhưng cũng đừng đánh giá thấp Powell
Biết đâu đó lại là một thủ thuật mới của Powell trong bối cảnh bất định mà Trump tạo ra? Tờ Financial Times đã có bài bình luận “Đừng đánh giá thấp Powell trong cuộc chiến với Trump” khi phân tích Fed dường như đang có chiến thuật riêng của mình. Fed giảm lãi suất trong bối cảnh liên tục bị Trump tấn công.
Nhưng có thể không phải vì điều này mà Fed giảm lãi suất. Nhiều thành viên Fed tin rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ còn gập ghềnh bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và cũng bởi tác động gói cắt giảm thuế năm 2017 của Trump đã không còn nhiều tác động đến nền kinh tế.
Fed do vậy giảm lãi suất để bù vào. Nhận thấy liều lượng cắt giảm đã đủ và còn phải chờ đợi thêm thông tin mới, ngày 11/12/2019, Fed phát tín hiệu sẽ dừng giảm lãi suất vào năm 2020, với việc lãi suất chính sách chỉ xoay quanh mức 1,5-1,75%.
Chính sách tiền tệ của Fed sắp đến không phải là chờ đợi xem dòng Tweet sắp tới của Trump; không phải là báo cáo tăng trưởng GDP quý tới cao hay thấp.
Chính sách tiền tệ tốt nhất phải là làm thế nào tái điều chỉnh chính sách lãi suất cho phù hợp với các diễn biến mới của nền kinh tế, khi mà các động lực tăng trưởng của nó đang bị kéo lùi bởi cuộc chiến thương mại, tình trạng dân số đang già hoá ở nhiều nền kinh tế phát triển và lạm phát thấp ở hầu như mọi nơi trên thế giới, nhiều nhà kinh tế giờ đây bắt đầu có sự đồng thuận chung như vậy.
Theo TNCK