Khi chúng ta chỉ còn vài giờ nữa là đến năm 2020, năm mới – thập kỉ mới, hãy cùng điểm lại sự tăng trưởng ấn tượng của giá vàng trong nước để biết được ‘món hời’ đã mang lại cho bạn lợi nhuận bao nhiêu trong năm 2019.
Giá vàng trong nước năm 2019 bám khá sát diễn biến của thị trường thế giới khi giao dịch khá ổn định vào 6 tháng đầu năm và bứt tốc mạnh mẽ trong những ngày hè oi ả từ tháng 6 -9. Giá vàng chạm đỉnh cao nhất trên 43 triệu đồng mỗi lượng vào tháng 9 năm nay và hiện đang kết thúc năm gần sát ngưỡng đỉnh vừa nêu.
Thị trường vàng trong nước khởi động năm 2019 ở trên mức 36 triệu. Cụ thể, trong phiên 2/1, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết ở 36,27 – 36,59 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng giao dịch ở ngưỡng 36,45 – 36,54 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Thị trường ghi nhận con sóng lớn đầu tiên khi chinh phục mức 37 triệu đồng dịp Thần Tài (mùng 10 âm lịch hàng năm). Giá vàng tăng trong dịp này khi người dân đổ xô xếp hàng mua vàng nhằm cầu may đầu năm. Đáng lưu ý, dịp Thần tài năm nay trùng ngày lễ Tình nhân Valentine nên số lượng vàng được bán ra trong dịp này càng tăng đột biến. Các nhà vàng cũng vì vậy mà đã cung cấp ra cho thị trường những sản phẩm đa dạng phong phú, phù hợp với nhu cầu như: vỉ nhẫn trơn cầu tài lộc, lắc kiềng vàng trang trí hết sức đẹp mắt. Những ông lớn như PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, SJC đã ghi nhận doanh thu ròng cao nhất trong năm vào ngày Thần Tài.
Tuy nhiên, do diễn biến khá ổn định của vàng thế giới nên trong suốt 6 tháng đầu năm thị trường vàng không ghi nhận thêm một cú bứt phá ấn tượng nào cả. Giá neo ổn định xung quanh vùng 37-36 triệu đồng.
Thị trường vàng trong nước bắt đầu khởi sắc rực rỡ vào cuối tháng 6 khi giá vàng quốc tế bắt đầu chinh phục các mức cao mới là $1400 và sau đó là $1500 và chạm đỉnh trên $1560/oz hồi tháng 9.
Giá vàng tăng nhanh qua mức 37, 38 rồi 39 triệu đồng mỗi lượng chỉ trong vòng tháng 6. Tháng 6 năm nay được giới đầu tư vàng gọi là “mùa hè rực lửa” của vàng trong nước khi giá tăng hơn 2 triệu mỗi lượng. Tuy nhiên, đà tăng chưa hề dừng lại tại đó, nhờ có sóng vàng từ thị trường thế giới và hoạt động giao dịch tăng mạnh trên thị trường mà vàng miếng trong nước lại xác lập thêm các mức mới. Vàng trong nước chinh phục các mức cao tiếp theo 40, 41, 42 triệu và chính thức cán mốc 43 triệu vào tháng 9 khi giá vàng quốc tế chạm đỉnh 6 năm tại $1560/oz.
Giá vàng trong nước gần như tăng liên tục trong suốt quý từ tháng 6 – 9 và chỉ xen kẽ vài nhịp giảm điều chỉnh nhỏ giữa các phiên. Trong giai đoạn này, do thị trường biến động khó lường và tăng nhanh thần tốc nên chênh lệch giữa giá vàng mua vào – bán ra được nới rộng lên khoảng 500 – 600 nghìn mỗi lượng chứ không phải dưới 200.000 như giai đoạn đầu năm.
Kể từ cuối tháng 9, giá vàng bắt đầu hạ nhiệt khi thị trường thế giới điều chỉnh giảm khỏi đỉnh năm nhưng vẫn bảo toàn khá tốt thành quả tích cực của năm nay khi mà giá vẫn giữ trên ngưỡng 41 triệu trong suốt quý IV. Theo đó, giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng quốc tế (theo quy đổi) chứ không phải bằng hoặc thấp hơn giá quốc tế như nửa đầu năm.
Đến phiên hôm nay, ngày cuối cùng của năm 2019, giá vàng SJC hiện đang ở mức 42,25 – 42,75 triệu đồng, giá vàng tại Bảo Tín Minh Châu ở mức 42,49 – 42,70. Như vậy, trong năm 2019, giá vàng đã tăng khoảng 6 triệu đồng. Với khoản đầu tư 36 triệu đồng đầu năm, 12 tháng qua đã thấy mỗi lượng vàng lãi tới 6 triệu. Đây chắc chắn là giai đoạn tăng trưởng tốt nhất của vàng trong 10 năm qua (tính theo tỷ lệ phần trăm).
Nhận định của chuyên gia về giá vàng những ngày cuối năm
Bình luận về diễn biến thị trường vàng những ngày gần đây, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, những ngày cuối năm, giá vàng trong nước tăng cùng nhịp với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng là do chứng khoán Mỹ tăng mạnh khiến giới đầu tư quan ngại sự bùng nổ quá nhanh với biên độ lớn của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ dẫn đến xu hướng điều chỉnh vào đầu năm 2020. Do đó, nhiều nhà đầu tư chia sẻ rủi ro bằng cách chuyển bớt danh mục đầu tư sang vàng để kỳ vọng chốt lời khi thị trường chứng khoán điều chỉnh.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa các nước trên thế giới vẫn chưa suy giảm. Đặc biệt, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đang ở đỉnh điểm và gây bất ổn ở khu vực Đông Bắc Á. Bất kể Mỹ dính dáng phiêu lưu quân sự ở quốc gia nào đều có thể ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ và có thể làm cho giá vàng tăng.
“Các diễn biến trên cho thấy, tình hình kinh tế, địa chính trị trên thế giới vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn. Do đó, giới đầu tư muốn đầu tư vào vàng, qua đó đẩy giá vàng thế giới vượt mốc $1500/oz, kéo giá vàng trong nước vượt mốc 42 triệu đồng/lượng. Mức độ tăng của giá vàng trong nước tương ứng với biến động của thị trường thế giới”, ông Hải nói.
Dự báo về diễn biến giá vàng trong năm 2020, theo vị Chủ tịch VGB, vẫn còn nhiều ẩn số về tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới nên xu thế giá vàng trong cả năm sau là không dễ dự đoán.
“Khó dự báo được xu hướng giá cho cả năm, nhưng riêng trong quý I năm 2020, các rủi ro từ căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và các nước lớn vẫn còn, đặc biệt, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mới giải quyết được giai đoạn 1 với nhiều hoài nghi. Do đó, giá vàng thế giới và trong nước quý I có thể còn tiếp tục tăng. Mặt khác, từ giữa tháng 1/2020, các nước ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đều chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Âm lịch, đó cũng là thời điểm nhiều người dân muốn mua vàng nữ trang hoặc tích trữ theo truyền thống, qua đó đẩy tăng nhu cầu về vàng và góp phần đẩy giá vàng tăng”, ông Hải nhấn mạnh.
Giavang.net tổng hợp