Trước rủi ro nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng và suy thoái, các chính phủ đã bắt đầu hành động để ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ này.
Trong khi đó, giới đầu tư tiếp tục rút khỏi các tài sản rủi ro và ưu tiên nắm giữ tiền mặt và các tài sản an toàn. Ngày 28/10/2019, Liên minh châu Âu (EU) đã chấp nhận yêu cầu thay đổi thời hạn Brexit của Anh tới ngày 31/1/2020; khi trước đó vào ngày 19/10/2019, Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư tới EU để yêu cầu hoãn Brexit do đến hạn 31/10/2019 mà hai bên chưa đạt thỏa thuận.
Dù vào ngày 17/10/2019, Anh và EU đã tiến tới thỏa thuận Brexit vào những phút cuối của cuộc đàm phán, nhưng Chính phủ Anh vẫn phải đưa ra Quốc hội để trình thỏa thuận này, mà được cho là sẽ mất rất nhiều thời gian.
Brexit từ lâu đã là một trong những rủi ro của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nguy cơ “Brexit cứng”, tức Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào. Do đó, khi Anh và EU đạt được một thỏa thuận vào phút cuối và chỉ còn đợi Quốc hội Anh thông qua, thì rủi ro của yếu tố này xem như đã phần nào được giải tỏa. Bằng chứng là các thị trường tài chính nói chung và đồng bảng Anh nói riêng đã phản ứng tích cực trước thông tin này.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương (NHTƯ) toàn cầu, từ Á, Âu hay Mỹ đã sớm hành động, bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất để ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế. Ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) – NHTƯ lớn nhất thế giới, vốn đang trong lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và có quan điểm cứng rắn trong gần 4 năm qua, thì từ đầu năm đến nay đã phải đảo ngược chính sách và gần đây nhất đã giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp cuối tháng 10.
NHTƯ lớn thứ hai thế giới là NHTƯ châu Âu (ECB) hồi tháng 9 đã quyết định khởi động lại chương trình “Nới lỏng định lượng” mua trái phiếu 20 tỷ euro/tháng kể từ tháng 11/2019, bên cạnh việc tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi xuống vùng âm, ở mức âm 0,5%, tiếp bước chính sách lãi suất âm của các NHTƯ khác như Nhật Bản, Thụy Sĩ, Thụy Điển. Những NHTƯ nhỏ hơn tại các khu vực cũng liên tiếp giảm lãi suất cơ bản, vừa để hỗ trợ nền kinh tế vừa để chống chọi với sự mất giá của đồng CNY.
Trên mặt trận thương mại, sau những đòn trừng phạt liên tiếp nhắm vào nhau đẩy căng thẳng leo thang, Mỹ và Trung Quốc gần đây đã đạt được một số kết quả trong các cuộc đàm phán; theo đó, sẽ sớm ký kết thỏa thuận sơ bộ giai đoạn 1. Dù Chile tuyên bố sẽ không tổ chức hội nghị APEC vào giữa tháng 11 này – nơi dự kiến sẽ diễn ra lễ ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hai bên sẽ sớm tìm một địa điểm khác để thay thế và không loại trừ nơi đó sẽ là trên đất Mỹ.
Để tỏ rõ thiện chí trong lúc hai quốc gia đang cố gắng tiến tới một thỏa thuận thương mại, ngày 29/10/2019, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết nước này sẽ cân nhắc gia hạn đợt miễn thuế quan đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, gần 1.000 sản phẩm Trung Quốc được miễn chịu hàng rào thuế quan đã triển khai vào tháng 7/2018 và đợt miễn thuế quan sẽ hết hạn vào ngày 28/12/2019.
Gần đây, một nhóm chuyên gia kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc, bao gồm cả Joseph Stiglitz, Michael Spence và ba chuyên gia thắng giải Nobel khác, đã lên tiếng kêu gọi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dừng thương chiến và tìm một giải pháp khác để mang lại lợi ích và hạn chế thiệt hại cho cả hai bên.
Trong khi đó, trước những bất ổn và rủi ro của nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính trong thời gian qua, giới đầu tư đã tìm nơi trú ẩn vào các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu hay tiền mặt.
Theo thống kê mới đây của FED, nhóm 1% gia đình giàu nhất nước Mỹ (khoảng 1,2 triệu gia đình) sở hữu tới 35.000 tỷ USD tính đến hết tháng 6 vừa qua – chiếm 32% tổng tài sản của toàn bộ người dân Mỹ. Họ hiện cất giữ tới 4.700 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền trong ngân hàng do không biết rót tiền đầu tư vào đâu.
Còn theo Ngân hàng Goldman Sachs, dòng vốn tháo lui khỏi thị trường chứng khoán, đổ vào vàng và tích trữ dưới dạng tiền mặt đang đạt mức cao nhất kể từ năm 2008. Theo số liệu từ Goldman Sachs, các quỹ đầu tư chứng khoán Mỹ đã chứng kiến 100 tỷ USD chạy ra khỏi thị trường trong năm 2019 – tốc độ rút vốn lớn thứ hai trong 15 năm qua. Các quỹ tương hỗ bị rút 217 tỷ USD, 353 tỷ USD được đổ vào trái phiếu và 436 tỷ USD được tích lũy dưới dạng tiền mặt.
Theo DNSG